Việc mở rộng loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe điện 4 bánh có gắn động cơ tại các khu du lịch là chủ trương đúng và phù hợp với tiến trình phát triển du lịch của thủ đô. Qua thời gian thí điểm sử dụng xe điện trong khu phố cổ ở Hà Nội, loại hình này đã từng bước khắc phục các tình trạng "cò mồi", chèo kéo và đeo bám khách du lịch. Từ đó tạo dựng được hình ảnh mới, đẹp, văn minh về giao thông đô thị, không gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường.
Để phát huy hiệu quả loại hình vận chuyển khách công cộng này, Hà Nội đã thực hiện Đề án “Quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông”.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã cho phép thí điểm hoạt động xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện (xe điện) đối với 8 khu vực nữa trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Cụ thể, 8 địa điểm mới được phép sử dụng xe điện bao gồm: Làng cổ Đường Lâm (5 chiếc), Khu phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (5 chiếc), Khu du lịch Chùa Hương (5 chiếc), Khu du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng (10 chiếc), Khu du lịch sinh thái xã Hồng Vân – huyện Thường Tín (10 chiếc), Khu du lịch Thiên Sơn – Suối Ngà (10 chiếc), Công viên Yên Sở (5 chiếc), Khu du lịch Thác Bạc – Suối Sao (10 chiếc).
|
Xe điện 4 bánh của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (thuộc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh) không đăng ký, đăng kiểm hoạt động tại Bát Tràng. |
Tuy nhiên, số xe điện 4 bánh sử dụng động cơ điện hoạt động tại Khu du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng hiện không đăng ký, không đăng kiểm, chưa đáp ứng yêu cầu của các văn bản quản lý phương tiện này.
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, những ngày đầu năm 2023, lượng du khách đến với Khu du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng khá đông để trải nghiệm các dịch vụ du lịch, trong đó có sử dụng xe điện để tham quan, mua sắm.
Tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (thuộc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh) có 5 chiếc xe điện 4 bánh luôn “trực chiến” để đón, trả khách tham quan. Đoạn đường ngay trước cổng Trung tâm đặt biển “cấm đỗ xe”, nhưng thay vào đó là các xe điện in dòng chữ "Trung tâm Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt" phía sau đuôi xe vô tư dừng đỗ và hoạt động kinh doanh dưới sự điều tiết của các nhân viên bảo vệ.
Theo thông báo của Công ty, xe điện hoạt động xuyên suốt cả tuần với tần suất 20 – 30 phút/ chuyến. Vé xe điện có nhiều mức giá khác nhau, nhưng giá thấp nhất là 20.000 đồng/người tùy vào từng địa điểm di chuyển trong làng nghề. Giá cao nhất là 360.000 đồng/tour/tối đa 12 người với tổng 13 địa điểm di chuyển tham quan trong vòng 45 phút. Thậm chí, xe điện của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh còn “vượt” khỏi phạm vi làng gốm Bát Tràng để chở khách đến làng hoa Xuân Quan, khu đô thị sinh thái Ecopark tham quan. Đáng nói, các xe điện của công ty này không thấy dán chứng nhận đăng ký, đăng kiểm và không có niêm yết giá trên phương tiện.
|
Xe điện không rõ nguồn gốc hoạt động công khai ngay trước cổng UBND xã Bát Tràng. |
Ngoài các xe điện của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, tại Khu du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng còn có khoảng 10 chiếc xe điện không rõ nguồn gốc, không đăng ký, không đăng kiểm nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Các xe này được sơn màu đỏ, trắng, xanh nhưng không ghi tên đơn vị, không niêm yết giá vé, người điều khiển phương tiện không có bảng tên, không mặc đồng phục... thi nhau chở khách, luồn lách vào các tuyến đường, khu dân cư xã Bát Tràng.
Phản cảm hơn khi ngay trước cổng UBND xã Bát Tràng được cắm biển “Điểm tạm thời dừng đỗ - đón trả khách du lịch Bát Tràng của xe điện” với khoảng 4 – 5 chiếc xe điện không đăng ký, đăng kiểm hoạt động. Thậm chí, sân trụ sở UBND xã Bát Tràng cũng được tận dụng để làm điểm trông giữ xe ô tô, xe máy để du khách sử dụng xe điện không bảo đảm điều kiện tham gia giao thông.
Việc phát triển xe điện để phục vụ du lịch là chủ trương đúng đắn, song phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành. PV phản ánh vấn đề này tới ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng. Ông Khôi cho biết, hiện các xe điện vẫn hoạt động tự phát tại Khu du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng và chính quyền đang giao cho công an tham mưu.
“Trên địa bàn xã có khoảng 10 chiếc xe điện, sắp tới sẽ rà soát, kiểm tra và quản lý”, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng nói.
PV Báo Tri thức và Cuộc sống cũng đã phản ánh những vi phạm của xe điện 4 bánh tại xã Bát Tràng đến Chỉ huy Đội CSGT huyện Gia Lâm và được cho biết sẽ kiểm tra, xác minh.
Để quản lý xe điện 4 bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành văn bản hợp nhất các Thông tư của Bộ quy định về điều kiện đối với loại xe này.
Theo đó, điều điện để xe điện 4 bánh chở người hoạt động nói riêng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ nói chung là khi hoạt động phải có đăng ký, đăng kiểm và được UBND cấp tỉnh chấp thuận khu vực hoạt động.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
>>> Mời độc giả xem thêm video CA Bắc Ninh họp báo kết quả đấu tranh xử lý vi phạm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ: