Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, những ngày qua, số ca nhiễm COVID-19, đặc biệt số ca trong cộng đồng tại Hà Nội ngày một gia tăng. Riêng ngày 9/11, Hà Nội ghi nhận đến 268 ca nhiễm, đây cũng là số ca mắc cao nhất trong đợt dịch thứ 4.
“Điều đó chứng tỏ nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại Hà Nội là rất cao. Tại sao trong khi đã có Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội cũng đã có chủ trương siết chặt, kiểm soát dịch bệnh song hành cùng phát triển kinh tế, số ca nhiễm dần tăng cao như vậy? Vấn đề là Hà Nội phải tăng cường quản lý từ cấp cơ sở nhưng dường như thời gian qua có vẻ đã lơ là” - bà An nêu ý kiến.
|
Chung cư 88 Láng Hạ bị phong tỏa tạm thời. (Ảnh: Hà Nội Mới).
|
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Hà Nội phải kiểm soát dịch bệnh từ nơi khác đến, kiểm soát các nơi Nhà nước cho phép được tiếp xúc, tiếp cận nhưng chúng ta vẫn không thực hiện nghiêm chỉnh.
“Nhìn nhận thực tế thời gian qua, Hà Nội tại nhiều nơi vẫn không thực hiện đúng 5K, nói đúng hơn là không thực hiện đúng Nghị quyết 128 của Chính phủ, không thực hiện đúng các chỉ đạo của thành phố. Đây là trách nhiệm của những người trực tiếp quản lý từ cấp khu, thôn, phường, xã rồi đến các tổ chức, doanh nghiệp. Có vẻ như chúng ta hơi lệch về việc làm kinh tế. Làm kinh tế là rất cần nhưng phải làm đúng như chỉ đạo. Muốn làm kinh tế, muốn hội họp đúng nhưng phải giãn cách, muốn đi tàu Cát Linh – Hà Đông, xe buýt nhưng phải đảm bảo 50%, tuân thủ 5K” - PGS.TS Bùi Thị An cho biết.
PGS.TS Bùi Thị An thẳng thắn nói rằng, Hà Nội chưa thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ đạo. “Bây giờ lỗi của ai phải làm rõ ra” - bà An nói.
Bà Bùi Thị An cũng cho rằng, giải pháp bây giờ phải phân cấp triệt để, đề nghị có báo cáo hàng ngày, qua hình thức online từ các khu, phường, xã, nhất là những vùng đang phát dịch để tìm nguyên nhân vì sao ngày hôm sau lại tăng hơn ngày hôm trước và phải có biện pháp ngăn chặn, phòng chống, xử lý những lỗ hổng dẫn đến những nguyên nhân đó.
“Nếu lơ là, Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung đông người, nơi tập trung nhiều cơ quan Trung ương, Bộ, ban ngành, các doanh nghiệp lớn, nhiều đầu mối sẽ rất nguy hiểm nếu dịch bùng phát” - bà An cho biết.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc người dân chủ quan, tập trung đông người sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
“Ý thức người dân là rất quan trọng. Bây giờ ai có thân người đó giữ, Nhà nước không theo đuổi chính sách “Zero Covid” nữa. Trong khi hiện nay, Hà Nội có nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Cho thấy, trong cộng đồng vẫn còn nhiều người mang virus SARS-CoV-2, sau khi được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thường ít có triệu chứng. Vì thế họ đi lại trong cộng đồng không ai biết được dễ lây nhiễm cho mọi người dẫn đến nguy cơ lây lan là rất cao” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
Sở Y tế Hà Nội tối 9/11 thông báo thêm 222 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 105 ca cộng đồng, 97 ca phát hiện ở khu cách ly và 20 ca ở khu phong toả. Đây là ngày Hà Nội có số ca mắc trong ngày và số ca cộng đồng cao nhất từ trước tới nay (từ năm 2020). Trong số này, có 104 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, 45 người đã tiêm 1 mũi, số còn lại chưa tiêm, chưa đủ tuổi tiêm vắc xin hoặc không có dữ liệu.
Phân bố 222 ca mới tại 18/30 quận, huyện: Gia Lâm (51), Nam Từ Liêm (30), Hà Đông (23), Thanh Xuân (18), Long Biên (16), Hoàng Mai (12), Bắc Từ Liêm (10), Cầu Giấy (9), Ba Đình (8), Đống Đa (7) Quốc Oai (5), Hoài Đức (5), Đông Anh (4), Tây Hô (4), Thanh Oai (3), Mê Linh (3), Thanh Trì (3), Chương Mỹ (3), Hai Bà Trưng (3), Hoàn Kiếm (3), Thường Tín (1), Mỹ Đức (1).
Phân bố 222 ca mắc mới theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (45); Chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (17); Chùm sàng lọc ho sốt (12); Chùm liên quan các tỉnh có dịch (6);
9 ổ dịch gồm: Chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (44); Chùm liên quan ổ dịch Trần Duy Hưng (39); Chùm liên quan ổ dịch Kho hàng Shoppe KCN Đài Tư (26); Chùm liên quan ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (11); Chùm liên quan ổ dịch Phú La – Hà Đông (8); Chùm liên quan ổ dịch tại Sài Sơn, TT Quốc Oai (5); Chùm liên quan ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng (4); Chùm liên quan ổ dịch đường Bưởi, Cống Vị (3); Chùm liên quan ổ dịch Trần Quang Diệu – Ô Chợ Dừa (2).
Như vậy ngày 9/11, Hà Nội có thêm ổ dịch mới ở Phú Đô, Nam Từ Liêm với 11 ca dương tính mới.
Phân bố 105 ca cộng đồng theo chùm: Chùm liên quan ổ dịch Trần Duy Hưng (38); Ho sốt thứ phát (21); ổ dịch Phú Đô - Nam Từ Liêm (11); Sàng lọc ho sốt (11); ổ dịch chợ Ninh Hiệp - Gia Lâm (11); Liên quan các tỉnh có dịch (thứ phát 6); ổ dịch Kho hàng Shopee KCN Đài Tư - Long Biên (5), Liên quan các tỉnh có dịch (2)
Phân bố 105 ca cộng đồng theo 18 quận, huyện: Nam Từ Liêm (19), Gia Lâm (13), Hà Đông (12), Thanh Xuân (9), Cầu Giấy (9), Bắc Từ Liêm (7), Hoàng Mai (5), Ba Đình (5), Hoài Đức (5), Đống Đa (4), Thanh Oai (3), Hoàn Kiếm (3), Hai Bà Trưng (3), Tây Hồ (3), Thanh Trì (2), Mỹ Đức (1), Thường Tín (1), Đông Anh (1).
>>> Mời độc giả xem thêm video Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19: