Truy tìm thủ lĩnh đòi lại tiền ảo
Sau vụ doanh nhân tiền ảo bị cướp 35 tỷ đồng trên cao tốc, dư luận đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa nhóm cướp và nạn nhân. Theo tin tức ban đầu cơ quan công an cung cấp, các đối tượng khai nhận do đầu tư vào sàn tiền ảo của ông Nguyên bị thua lỗ nên đã lên kế hoạch giả va chạm xe để cướp tiền.
Theo đó, nạn nhân trong vụ cướp là ông Lê Đức Nguyên, nổi tiếng trong lĩnh vực tiền ảo và cũng thuộc top người giàu trên sàn chứng khoán.
|
Ông Lê Đức Nguyên là nạn nhân của vụ cướp tiền ảo. |
Nhóm nghi can bị tạm giữ, vốn trước đây cùng tham gia kinh doanh tiền ảo với ông Lê Đức Nguyên. Các bên có mối quan hệ khá thân thiết. Ông Nguyên còn có ảnh chụp cùng một số nhân vật trong nhóm tại buổi nói về đầu tư tiền ảo.
Nhóm này đã bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư, thậm chí là đã vay mượn, cầm cố để tham gia. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn thì “sập sàn”, tiền tỷ của nhiều người đã một đi không trở lại. Ông Nguyên và nhiều thủ lĩnh của sàn tiền ảo này cũng biến mất.
Rất nhiều nhà đầu tư lâm vào cảnh khốn cùng, mất tiền, mất nhà… bị đòi nợ ngày đêm. Chính vì lẽ đó, nhóm đã lập kế hoạch đòi lại tiền. Từ những nạn nhân của đầu tư tiền ảo, nhóm này vô hình trung biến thành kẻ cướp.
Theo Vietnamnet đưa tin, bước đầu xác định, nhóm người mất tiền vào tiền ảo Pincoin truy tìm các thủ lĩnh để hỏi cho ra chuyện, đòi lại tiền nhưng không tìm thấy dấu vết. Có những thủ lĩnh cực kỳ khó tiếp cận khi có đội vệ sĩ túc trực ngày đêm bên cạnh.
Giai đoạn tháng 5 vừa qua, phát hiện ông Nguyên, là thủ lĩnh của sàn tiền ảo nói trên có mặt ở Sài Gòn thì nhóm nhà đầu tư mất tiền tỷ đã bàn bạc để gặp ông này đòi lại tiền. Phải mất thời gian dài theo dõi, nhóm nhà đầu tư đã chọn thời điểm thích hợp cho việc gây áp lực cho ông Nguyên nhằm đòi tiền, là thời điểm ông Nguyên đưa vợ con đi Đà Lạt du lịch.
Tại Đà Lạt vì cảnh đông đúc, sợ ra tay sẽ bị động nên nhóm người đeo bám theo sau xe ông Nguyên. Trưa 18/5, khi đến gần trạm thu phí ở cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc địa bàn Đồng Nai thì nhóm người trên đã tổ chức bắt cóc cả gia đình ông Nguyên nhằm gây áp lực đòi lại tiền.
Tuy vậy, diễn biến sau đó theo chiều hướng là một vụ cướp, khi nhóm người này đã dùng súng, kim tiêm dính máu để đe doạ, buộc ông Nguyên khai ra tài khoản ví điện tử để thực hiện thao tác chuyển 4 loại tiền ảo, có tổng giá trị quy đổi là 35 tỷ đồng sang tài khoản của họ.
Nhóm người còn yêu cầu ông Nguyên gọi cho người nhà chuyển thêm 9,5 triệu USD, nhằm đòi cho đủ tiền. Tuy nhiên kế hoạch này không thành.
Ông Lê Đức Nguyên “ẩn” mình trong các vụ tố lừa đảo thế nào?
Ông Nguyên thường được biết đến với tên Lucas, sinh năm 1988, quê Bình Định, ngụ quận 2, TPHCM. Tại nhiều dự án sàn tiền ảo trên mạng theo dạng đa cấp, ông Nguyên tham gia với vai trò là thủ lĩnh của một số nhóm, nhưng ít bao giờ lộ mặt vai trò này.
|
Ông Nguyên từng thuộc thành phần Vip của các sàn tiền ảo trên mạng theo dạng đa cấp. |
Các thông tin về lãnh đạo công ty kinh doanh trên hoàn toàn không có tên ông. Vì thế, trong các tố cáo lừa đảo tiền ảo lên đến 15 nghìn tỷ đồng khiến hàng nghìn người mất nhà, trắng tay vì trót giao cả tài sản năm 2018, hoàn toàn không có tên ông Lê Đức Nguyên.
Trên thực tế, dù rất nổi tiếng trong giới tiền ảo, nhưng ông Lê Đức Nguyên “ẩn mình” thông qua vai trò diễn giả tại các buổi thuyết trình về kinh doanh tiền ảo. Các sàn được ông “tung hô” như Bitkingdom, Pincoin, Ifan…
Trên trang youtube của Bitkingdom, ông Lê Đức Nguyên nói về tiền ảo như một “món hời” dành cho nhà đầu tư. Họ không cần mất nhiều thời gian, công sức, kinh nghiệm, chỉ cần bỏ số tiền đầu tư sẽ thu lợi lớn sau một thời gian ngắn.
Mặc dù nhiều lần thuyết trình về tiền ảo, thậm chí dính đến những sàn giao dịch bị tố lừa đảo nhưng ông Nguyên dường như vô can khi không xuất hiện trong thông tin về bộ máy lãnh đạo các công ty đa cấp, công ty tiền ảo này.
Hiện vụ doanh nhân tiền ảo bị cướp 35 tỷ đồng đang được điều tra, làm rõ.