Theo quyết định số 1735 do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vừa ký, cùng với quyết định huỷ kết quả đấu giá và thu hồi 128 lô đất, UBND tỉnh Thái Bình này giao cho Sở Tài chính phối hợp Cục Thuế tỉnh thực hiện hoàn trả tiền cho Công ty Nam Thái là đơn vị đã trúng thầu đấu giá 128 lô đất này, giao Sở Tài nguyên - môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên hoàn trả lại số tiền mà Công ty Nam Thái đã nộp vào trung tâm và tiếp tục quản lý chặt chẽ khu đất, đưa ra đấu giá công khai để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.
Công ty TNHH Nam Thái (đơn vị trúng đấu giá) được hoàn trả gần 119,5 tỷ đồng tiền sử dụng đất (bao gồm tiền đặt cọc đã được chuyển thành tiền sử dụng đất; giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất thu hồi).
Đáng chú ý là mặc dù không phải là chủ sở hữu của những lô đất đó. Nhưng trước khi bị khởi tố và bắt giam, trên trang cá nhân vợ chồng Nguyễn Thị Dương - Nguyễn Xuân Đường ( tức Đường "Nhuệ") có đăng thông tin rao bán 128 lô đất thuộc Dự án phát triển nhà ở thương mại tại Khu Trung tâm dịch vụ y tế Thái Bình.
|
128 lô đất có vị trí đắc địa tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình vừa bị UBND tỉnh thu hồi. |
Theo đó mỗi lô đất ở mặt đường Lê Quí Đôn được rao bán từ 60 - 65.000.000đồng/ 1 m², những lô đất phía trong rao bán từ 35 - 45.000.000 triệu đồng/ 1m², và vợ chồng Dương - Đường đã nhận tiền đặt cọc của nhiều người với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Được biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình điều tra làm rõ mỗi liên quan giữa vợ chồng Dương - Đường với những lô đất trên, đã bán, đã nhận tiền đặt cọc của những ai.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp ngày 19/6, bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cho biết sắp tới đơn vị này sẽ thanh tra toàn bộ hoạt động đấu giá đất tại tỉnh Thái Bình có liên quan đến băng nhóm Đường “Nhuệ”.
Theo bà Hoa, ngay sau khi nhận được phản ánh về việc có dấu hiệu thao túng, thông đồng trong hoạt động đấu giá sử dụng đất của Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương tại tỉnh Thái Bình, Bộ đã có công văn gửi Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình.
Bộ đề nghị Sở Tư pháp kiểm tra, rà soát, báo cáo các vụ việc đấu giá tài sản có sự tham gia của Nguyễn Xuân Đường, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm.
Trên cơ sở báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh, Bộ đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất để thanh tra toàn bộ các vụ tổ chức đấu giá có sự tham gia của vợ chồng Đường “Nhuệ”. Thực hiện thủ tục thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá tài sản của 2 đấu giá viên thuộc trung tâm đấu giá tỉnh Thái Bình".
|
Vợ chồng Đường "Nhuệ" từng rao bán khu đất vừa bị thu hồi trước khi bị bắt. |
Nói về việc vợ chồng Đường "Nhuệ" từng rao bán khu đất trên dù không phải là chủ sở hữu, luật sư Nguyễn Anh Tú - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, những lô đất đấu giá có liên quan đến Đường "Nhuệ" nếu phát hiện thấy có sai phạm, theo quy định thì kết quả cuộc đấu giá đó sẽ không được công nhận.
"Cơ quan chức năng phải hủy kết quả đấu giá những lô đất có hiện tượng sai phạm, móc lối giữa cán bộ tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá để tránh thất thoát tài sản của nhà nước.
Như một lô đất có giá thị trường 3 tỷ đồng nhưng bằng cách nào đó mà chỉ được bán với giá 1 tỷ đồng thì gây thiệt hại cho nhà nước 2 tỷ đồng.
Còn số tiền trúng đấu giá mà Đường "Nhuệ" đã chuyển vào tài khoản của cơ quan nhà nước được xử lý như thế nào thì tùy vào quan điểm của cơ quan tòa án.
Tùy vào tính chất của vụ việc, hành vi của từng đối tượng mà cơ quan chức năng đưa ra quyết định về số tiền này. Có thể số tiền này sẽ được chuyển lại trả Đường "Nhuệ" sau khi kết quả đấu giá bị hủy, hoặc cũng có thể số tiền này được coi là tang vật của vụ án và bị thu hồi".
Theo luật sư Tú, hoạt động của vợ chồng Đường "Nhuệ" được phản ánh là quá trình mua - bán bất động sản. Các khu đất trúng đấu giá sau đó được Đường "Nhuệ" rao bán lại cho những người khác để hưởng tiền chênh.
Đối với những trường hợp này, luật sư Tú cho rằng, cần phải phân làm 2 đối tượng. Một là người mua lô đất của Đường "Nhuệ" nhưng không biết có sự "mờ ám" trong việc vợ chồng Đường - Dương trúng đấu giá lô đất đó thì trường hợp này cần được bảo vệ.
Hai là, trường hợp biết Đường "Nhuệ" dùng thủ đoạn để trúng đấu giá lô đất với giá rẻ rồi bán lại nhưng vẫn mua thì đây cũng được coi là hành vi vi phạm, cần phải thu hồi. Thậm chí người mua lô đất đó từ Đường "Nhuệ" có thể bị xem xét xử lý hình sự.
>>> Xem thêm video: Để Đường Nhuệ lộng hành, ai chịu trách nhiệm?