Mới đây, sự việc ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh đã có đơn xin thôi giữ chức vụ thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi trước đó, không lâu ông Lê Viết Chữ và ông Trần Ngọc Căng vừa bị kỷ luật cảnh cáo do có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác.
Cụ thể, ngày 16/6, Bộ Chính trị đã họp, xem xét vi phạm, khuyết điểm và quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ.
Bộ Chính trị nhận định, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Viết Chữ chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 và của Ban cán sự đảng, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn
|
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh. |
Ông Lê Viết Chữ cũng phải chịu trách nhiệm về chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất; ký văn bản về chủ trương bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn để hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp, chủ trương tăng vốn điều lệ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạm ứng trước ngân sách nhà nước để thực hiện dự án; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền Ban Thường vụ, Thường trực, Bí thư Tỉnh uỷ…
Những việc làm trên của ông Lê Viết Chữ vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh uỷ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Viết Chữ là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương và cá nhân đến mức cần phải xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng. Quá trình kiểm điểm, ông Lê Viết Chữ nghiêm túc, nhận thức rõ trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 45, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Trần Ngọc Căng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Việc Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xin thôi giữ chức vụ xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, tạo điều kiện để kiện toàn công tác nhân sự cho đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020- 2025 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020. Trong khi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 9/2020, thì Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ vẫn còn hơn 3 năm công tác. Do đó, dư luận đặt câu hỏi, việc Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ xin thôi chức để mong hạ cánh an toàn?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, kỷ luật Đảng, kỷ luật cán bộ không thay được chế tài của pháp luật nếu như có hành vi vi phạm pháp luật.
Do đó, trong vụ việc trên, việc xin thôi chức (từ chức) và xin nghỉ hưu sớm là thái độ, nguyện vọng của hai vị lãnh đạo này. Còn việc Bộ chính trị, Ban Bí thư có cho phép 2 lãnh đạo này từ chức hay không cần phải xem xét nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là yếu tố nhân sự và ổn định cơ cấu, bộ máy Nhà nước, đồng thời cũng tránh trường hợp dư luận lại nghi ngờ cán bộ vi phạm kỷ luật, từ chức, nghỉ hưu là xong… “hạ cánh an toàn” !
Theo luật sư Cường, các lãnh đạo trên đều là đảng viên, là công chức nhà nước và là công dân. Bởi vậy, nếu với tư cách là đảng viên mà vi phạm kỷ luật đảng sẽ bị kỷ luật theo quy định của đảng. Với trách nhiệm là công chức nhà nước mà vi phạm kỷ luật công chức nhà nước thì sẽ chịu các hình thức kỷ luật theo quy định. Còn nếu có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải chịu các chế tài hành chính hoặc hình sự thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và hậu quả do mình gây ra. Do đó, về nguyên tắc, các hình thức kỷ luật đảng cũng như kỷ luật về mặt chính quyền không thể thay thế các chế tài của pháp luật nếu có hành vi vi phạm pháp luật.
Thời gian gần đây, mỗi khi Uỷ ban Kiểm tra trung ương kết luận các sai phạm của cán bộ kèm theo đó là các hình thức kỷ luật và sau đó có thể là các chế tài hành chính hoặc hình sự. Có nhiều cán bộ đã nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm pháp luật thời kỳ còn đương chức vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật, thậm chí “cách nguyên” và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do vậy, nếu các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trên có vi phạm đến mức phải xem xét trách nhiệm pháp lý thì việc từ chức, nghỉ hưu không phải là giải pháp cho việc trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật. Nếu có hành vi vi phạm pháp luật dù có không còn chức vụ, có nghỉ hưu thì người vi phạm cũng vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu còn thời hiệu xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Nói cách khác, từ chức, nghỉ hưu không phải là trường hợp loại trừ trách nhiệm pháp lý.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Những năm gần đây, việc cán bộ bị dư luận phản ánh nhiều sai phạm, bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố hình sự cũng không mấy khi tự nguyện xin từ chức. Bởi vậy, việc hai cán bộ lãnh đạo của một tỉnh xin từ chức sau khi có hình thức kỷ luật là một chuyện hiếm hoi. Việc từ chức này có thể là một tiền lệ tốt cho công tác cán bộ, cũng có thể là một biểu hiện né tránh trách nhiệm.
Luật sư Cường cho rằng, việc cán bộ đang bị xem xét kỷ luật lại xin từ chức cũng có thể do các vị này đã là nhận thức được sai lầm của mình, nhận thức, năng lực trình độ năng lực, sức khoẻ của mình không phù hợp với vị trí công tác, không đủ sức khỏe để cống hiến nên xin từ chức để nhường vị trí cho người có năng lực, trình độ, sức khỏe phù hợp hơn. Cũng có thể là có vi phạm pháp luật đến mức phải chịu chế tài, lo sợ các chế tài của pháp luật nên tìm đường lui cho mình... Vấn đề này cơ quan chức năng phải làm rõ để có những quyết định, xử lý cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Sau khi bị kỷ luật về đảng, sẽ xem xét kỷ luật về mặt chính quyền theo quy định của luật công chức và điều lệ đảng. Còn sai phạm có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? vi phạm vào quy định nào của pháp luật và bị chế tài ra sao thì các cơ quan chức năng phải xem xét làm rõ trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu có liên quan.
Việc xử lý như thế nào phải căn cứ vào quy định của pháp luật, theo trình tự, thủ tục luật định. Trường hợp các vị này chỉ bị xử lý kỷ luật về đảng và kỷ luật về mặt chính quyền nhưng hành vi không đến mức phải bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà theo nguyện vọng muốn xin từ chức và về hưu sớm thì có lẽ nguyện vọng này sẽ được giải quyết.
Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét nguyện vọng của hai cán bộ này, xem xét đến trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm kỷ luật (nếu có) trên cơ sở những kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của hai vị lãnh đạo này sao cho đảm bảo nguyên tắc “Có công thì thưởng, có tội phải chịu”.
Thôi chức để tạo điều kiện để người xứng đáng giữ chức vụ
Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, bản thân đã có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ, nghỉ hưu theo chế độ.
“Quá trình công tác mình cũng có đúng, có sự cống hiến, đóng góp nhất định đối với sự phát triển của tỉnh, nhưng cũng có những cái sai. Thiếu sót, sai phạm cũng đã được UBKT Trung ương xem xét và quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo” – ông Căng nói.
Nói về lý do xin thôi chức, ông Trần Ngọc Căng nói rằng: “Sau khi có quyết định kỷ luật, thấy dư luận, ngoài xã hội bàn tán xôn xao, có nhiều ý kiến trái chiều nên bản thân thấy cũng không được tốt lắm về sức khỏe và tinh thần. Và cũng để nhằm kiện toàn cho công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020 – 2025 (dự kiến vào tháng 10/2020), tạo điều kiện, tiền đề để cử tri, Đại hội Đảng bộ bầu người khác xứng đáng giữ chức vụ hướng đến sự phát triển chung của tỉnh”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vì sao Bí thư, Chủ tịch Quảng Ngãi cùng xin từ chức?