Điều đặc biệt tại lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương
Ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương năm 2022 sẽ được tổ chức chiều 15/2 tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng. Sau đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan sẽ có buổi làm việc tại xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn.
Mục đích của việc tổ chức lễ hội nhằm tăng cường quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cà rốt, hành, tỏi của tỉnh Hải Dương. Đồng thời giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Hải Dương nhằm thu hút đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đối với cây cà rốt nói riêng; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản chủ lực và sản phẩm cà rốt theo hướng bền vững.
|
Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương sẽ diễn ra sáng 15/2. |
Theo kế hoạch, Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương năm 2022 sẽ diễn ra lúc 13h30 chiều 15/2 tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng.
Điểm nhấn của lễ hội, các đại biểu sẽ đi thăm vùng sản xuất và thu hoạch cà rốt tại xã Đức Chính và cơ sở chế biến và đóng gói cà rốt phục vụ xuất khẩu, thăm trưng bày một số sản phẩm chế biến từ cà rốt.
Các đại biểu sẽ cắt băng khai mạc Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương năm 2022. Lễ rước cà rốt vào thắp hương tại Đền Tam phủ, tọa lạc tại ngoài đồng bãi ven sông Thái Bình, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng; Tổ chức cuộc thi thu hoạch cà rốt và trao giải. Các đại biểu cũng sẽ cắt băng xuất khẩu cà rốt phục vụ xuất khẩu.
Đáng chú ý, lễ hội sẽ có sự tham dự của các cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Hải Dương như Hoàng Đức, Trọng Đại, Đức Chiến và LiveStraem Chương tình Hội Xuân trải nghiệm thu hoạch cà rốt.
Sau khi kết thúc lễ hội thu hoạch cà rốt, đoàn đại biểu sẽ đi thăm vùng sản xuất hành, tỏi và một số mô hình sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn thị xã Kinh Môn...
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, Hải Dương có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp với đa dạng sản phẩm và không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào nên tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, do truyền thông còn nhiều hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy cần có các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa nhằm quảng bá thương hiệu nông sản Hải Dương đến bạn bè trong nước và thế giới.
|
Những lô cà rốt đầu tiên năm 2022 được xuất khẩu sang Hàn Quốc. |
Trước đó, sáng ngày 11/1, xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng), tỉnh Hải Dương đã cắt băng mở hàng xuất khẩu những lô cà rốt đầu tiên của năm 2022 sang Hàn Quốc. Các doanh nghiệp đánh giá, năm nay nhiều tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cà rốt Hải Dương, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Trần Văn Quân đánh giá: Năm nay sản xuất vụ đông thắng lợi, đặc biệt là cà rốt. Mặc dù mới đầu vụ nhưng năm nay là một trong những năm cà rốt được giá nhất, năng suất, chất lượng bảo đảm xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước EU. Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái và doanh nghiệp đến thu mua cà rốt.
Đưa nông sản Hải Dương đến các thị trường khó tính
Tỉnh Hải Dương đã phát triển thành 8 nhóm nông sản chủ lực và gần 150 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Nhiều sản phẩm đã được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận Vietgap, Globalgap, OCOP, truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, cây cà rốt Hải Dương được sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 1.600ha, sản lượng trên 80.000 tấn/năm, được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGap, GolobalGap) phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 80% sản lượng cà rốt Hải Dương được sơ chế, bảo quản lạnh xuất khẩu củ tươi sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Malaysia, Singapore, Trung Đông,… còn lại 20% tiêu thụ trong nước dạng củ tươi, nước ép, mứt và cà rốt xấy khô cung cấp làm gia vị cho nhà máy sản xuất mì tôm, cháo ăn liền…
|
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng các lãnh đạo tỉnh Hải Dương. |
Trong bài viết “Câu chuyện Hải Dương” mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh Hải Dương đã có bước tiến dài, đáng để những người khởi tạo tự hào, khách phương xa thán phục. Những sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu trang trọng trên các gian hàng trưng bày, từ rau củ quả tươi xanh, bắt mắt cho đến những sản phẩm OCOP phong phú.
Sản phẩm đa dạng, thiết kế, bao bì, mẫu mã độc đáo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm nông nghiệp Hải Dương tự tin hiện diện trên các sàn thương mại điện tử, trên các kệ hàng sang trọng trong các trung tâm thương mại hiện đại. Sản phẩm nông nghiệp Hải Dương tự hào vượt trùng khơi, tiến vào các thị trường khó tính nhất. Sản phẩm nông nghiệp Hải Dương, từ làng nghề truyền thống, được chế biến, được chăm chút nhờ bàn tay, khối óc, từng bước vươn mình, đại diện cho thương hiệu mảnh đất, con người Hải Dương.
“Thương hiệu Hải Dương được kết tinh từ sản phẩm của làng quê, từ tâm huyết của người nông dân. Người Hải Dương đã không xem nông nghiệp như một ngành sản xuất, mà là một ngành kinh tế, theo đuổi tạo ra giá trị tăng thêm, bên cạnh việc quan tâm đến sản lượng, năng suất. Những sản phẩm gắn liền với những địa danh hào hùng vốn hiện hữu trong tiềm thức của bao thế hệ: Thanh Hà, Bạch Đằng, Kinh Môn, Chí Linh, Côn Sơn, Kiếp Bạc, sông Kinh Thầy…
Tạo dựng thương hiệu địa phương là cả một hành trình với sự đóng góp của bao thế hệ người Hải Dương. Thương hiệu đã nhận được sự tin yêu, và để thương hiệu bay cao, vươn xa, cần đến sự dày công chăm chút tỉ mẩn, tinh tế, để vừa luôn mới mẻ, vừa phù hợp với xu thế thời đại. Tài hoa và khát vọng con người kết tinh thành giá trị cho Hải Dương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, muốn bay cao, vươn xa, câu chuyện tạo dựng thương hiệu phải hằn sâu vào nếp nghĩ, vào mối lưu tâm thường nhật của người Hải Dương. Sự tự hào của người Hải Dương về thương hiệu Hải Dương sẽ khơi gợi tâm thức của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, Hải Dương luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp và coi đây là 1 trong 4 trụ cột của nền kinh tế. Với những kết quả trên cho thấy ngành nông nghiệp đã và đang đi đúng hướng, bứt phá về giá trị, là trụ đỡ của nền kinh tế, tạo nền tảng để tỉnh Hải Dương phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đã đề ra; phù hợp với xu thế phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Những câu chuyện thú vị xung quanh hạt gạo tại thị trường Châu Âu: