Vòng luẩn quẩn: Được mùa, mất giá và giải cứu
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có vài cuộc giải cứu các sản phẩm nông sản như thanh long, hành tím… Cùng đó, hàng loạt điệp khúc buồn với nông nghiệp nước nhà khi hồi tháng 4, đầu tháng 5, giá thịt lợn hơi xuống thấp nhất trong gần chục năm về đây, ở mức 15.000 - 25.000 đồng/kg, khiến hàng triệu hộ kinh doanh lao đao, khốn đốn.
|
Các hội viên của Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chuyển thịt heo đến điểm bán ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: Ngọc An. |
|
Sinh viên chuyển dưa từ nơi tập kết đến các điểm bán tại TP. Tam Kỳ. Ảnh: Phan Vinh. |
Sau giá thịt lợn, các mặt hàng nông sản khác như chuối, cà chua, dưa hấu, trứng gia cầm... cũng rơi vào cảnh rớt giá thê thảm, nhiều loại phải bỏ thối ngoài ruộng. Giá dưa hấu ở Quảng Ngãi còn dưới 2.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không mua. Hành tăm ép giá 15.000 đồng/kg cũng phải bán... Người nông dân như ngồi trên đống lửa khi từ đầu năm đến nay, trứng gia cầm xuống giá, ùn ứ tiêu thụ.
Và vòng luẩn quẩn "được mùa, mất giá và giải cứu" lại tiếp diễn. Khắp các diễn đàn, mặt báo, các câu chuyện đều nóng chuyện giải cứu người nông dân. Nhiều người tự hỏi, đến khi nào người dân mới thôi cảnh bấp bênh, may rủi như canh bạc đỏ đen và có kế sinh nhai bền vững, khi nào cảnh dư thừa, ế đọng nông sản mới chấm dứt?
Giải pháp nào cho nông sản?
Trao đổi với Kiến Thức, TS Trần Duy Khanh (Viện trưởng viện Đào tạo doanh nhân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN) cho rằng: "Các cuộc “khủng hoảng thừa” nông sản, cụ thể là tình trạng thừa thịt, trứng hiện nay chỉ mang tính thời điểm và cục bộ. Thừa ở thành phố nhưng miền núi và những vùng kinh tế khó khăn thì vẫn thiếu. Hơn nữa, nhìn vào cuộc giải cứu thịt lợn có thể thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước rất mạnh".
Do đó, một số giải pháp được các bộ, ngành, địa phương đưa ra như hạn chế chăn nuôi, hạn chế chăn nuôi lợn nái, hạn chế xây dựng mới nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi... là nóng vội vì chỉ giải quyết cái trước mắt. Lâu dài thì các bộ ban ngành phải chú trọng công tác dự báo thị trường, quản lý thị trường, tổ chức lưu thông, chế biến, tiêu thụ, tổ chức chuỗi sản xuất trong chăn nuôi thì tình trạng giải cứu nông sản mới dừng lại.
Cần nhìn nhận rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phải ồ ạt giải cứu nông sản là do cơ chế chính sách, quản lý, thị trường, người sản xuất. Từ bài học của các đợt giải cứu, gần nhất là thịt lợn thì nguyên nhân bao trùm là cơ chế chính sách hiện nay mới mang tính ngắn hạn, chặt khúc, “ăn đong”. Chính sách trước hết phải xuất phát từ việc an sinh xã hội. Tại sao không có một cơ chế an sinh xã hội tốt cho người dân, để người dân có thêm nghề sinh kế ổn định, thu nhập cao thay vì ồ ạt chăn nuôi, nuôi trồng tự phát theo đám đông, không tìm hiểu nhu cầu và thị trường như hiện nay.
Bên cạnh đó, các chính sách mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích sản xuất, đưa vào các giống mới, năng suất, sản lượng cao mà chưa chú trọng đến việc tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm. Ví dụ như thịt lợn, trứng gia cầm sao không định hướng chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau, tạo điều kiện cho người nông dân lựa chọn? Sản phẩm khi bán ra chỉ là sản phẩm thô, giá thấp và phụ thuộc vào thương lái thu mua. Chỉ tính riêng mì gói đã có 5-7 loại khác nhau để lựa chọn, thì tại sao thịt lợn, trứng gà đưa ra bán lại chỉ có 1 loại, chỉ là sản phẩm thô? Ngoài ra, nông sản không đưa ra các tổ chức xuất khẩu để mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Do đó, cần khuyến khích sản xuất song song với tổ chức sản xuất".
"Ở đây, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý”, TS Trần Duy Khanh khẳng định.
Theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, câu chuyện giải cứu nông sản phải có giải pháp tổng thể bắt đầu từ Nhà nước, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.