Ngày 27/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan chức năng, để bàn phương án “giải cứu” heo giúp nông dân trước thực trạng giá giảm sâu từ đầu năm đến nay.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo của tỉnh hiện khoảng 1,7 triệu con (giảm 16,3% so với hồi tháng 1). Trong đó, đàn heo nuôi theo hình thức trang trại chiếm tỷ lệ 69% và chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 31% tổng đàn.
Hiện, giá thịt lợn hơi ở tỉnh này giao động từ 22.000-24.000 đồng/kg, giảm gần 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2016, nông dân rơi vào thua lỗ nặng.
|
Một hộ chăn nuôi heo ở Đồng Nai bỏ trống trang trại vì thua lỗ. Ảnh: Ngọc An. |
Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, heo giảm giá do Trung Quốc quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch, làm nguồn cung vượt cầu. Ngoài ra, người chăn nuôi chưa chú trọng việc áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt nên sản phẩm khó được các thị trường lớn chấp nhận.
Việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi ở tỉnh hiện còn yếu, phụ thuộc nhiều khâu trung gian và khó kiểm soát, chưa truy xuất được nguồn gốc. Đây là một trong những yếu tố khiến giá thịt heo bị sụt giảm, không thể kiểm soát.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nói rằng người chăn nuôi heo đang thua lỗ, mong muốn các ngân hàng có chính sách giãn nợ, tiếp tục cho dân vay vốn để phát triển sản xuất.
|
Bà Bùi Thị Nhị, ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, Đồng Nai phải dồn vốn duy trì đàn heo chờ tăng giá. Ảnh: Ngọc An. |
Về giải pháp cấp bách trước mắt, ông Công kiến: “Nơi tiêu thụ nhiều nhất là các khu công nghiệp, khu chợ công nhân. Chúng tôi đề nghị đưa thịt heo có kiểm định đến các khu chợ này. Đó là phương thức nhanh nhất”.
Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND Đồng Nai nói tỉnh hiện có đội ngũ công nhân lên đến gần một triệu người. Việc tạo điều kiện để người chăn nuôi xẻ thịt heo bán cho công nhân là giải pháp hay và có thể thực hiện ngay.
Ông cũng đề nghị Sở Công Thương phối hợp Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nghiên cứu để thực hiện phương án bán thịt heo cho công nhân.
Ông Chánh cũng gợi ý việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, lực lượng vũ trang… để cung ứng thịt heo.
“Về lâu dài, cần tổ chức sản xuất theo chuỗi và liên kết trong sản xuất”, ông Chánh nhấn mạnh.
Trong cuộc bàn phương án “giải cứu” heo, đại diện Công ty chăn nuôi Bình Minh đề xuất ý kiến giết mổ heo cho vào các kho cấp đông để điều tiết thị trường. Tuy nhiên, lượng heo trên toàn tỉnh rất lớn, nên phương pháp này cần xem xét kỹ.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói Bộ hiểu và rất chia sẻ với người chăn nuôi những khó khăn hiện nay. Hiện, bộ đã đề xuất với Chính phủ các biện pháp cấp bách lẫn lâu dài để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.
Ông Tám đề cao giải pháp tiêu thụ thịt heo trước mắt. Ông đề nghị UBND Đồng Nai thực hiện tiêu thụ thịt bằng nhiều cách, trong đó cần liên hệ với các đơn vị như công ty, ban quản lý khu công nghiệp và TP.HCM để thúc đẩy thị trường.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biết Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để kêu gọi giảm giá cám.
Trước đó, Đồng Nai đã kiến nghị Trung ương đàm phán với Trung Quốc khơi thông thị trường xuất khẩu chính ngạch cho heo, giải quyết khó khăn trước mắt. Tỉnh cũng đề nghị đàm phán và tìm kiếm thị trường ở các nước trong khu vực, để xuất khẩu sẩn phẩm chăn nuôi, đồng thời có chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.