Điểm nhấn lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024

Google News

Điểm nhấn lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 là lễ tưởng tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả và công bố “Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn” là bảo vật quốc gia.

Từ ngày 19/2 - 3/3/2024 (tức ngày 10 - 23 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024, tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 - 2024) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn” là Bảo vật quốc gia.
Diem nhan le hoi mua xuan Con Son - Kiep Bac nam 2024
Lễ Cáo yết mở hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2024 
Lễ hội nhằm tôn vinh các giá trị nổi bật của Khu di tích trong quá trình tỉnh Hải Dương cùng với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới; quảng bá các giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc thực hành, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Điểm nhấn lễ hội là các nghi lễ trọng trong chương trình lễ hội gồm Lễ khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024, Lễ tưởng niệm 690 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 - 2024) và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn” là bảo vật quốc gia; Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc...
Diem nhan le hoi mua xuan Con Son - Kiep Bac nam 2024-Hinh-2
Những ngày đầu xuân 2024, lượng khách đến Khu di tích Côn Sơn tăng cao. 
Diem nhan le hoi mua xuan Con Son - Kiep Bac nam 2024-Hinh-3
 
Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII). Đây là hiện vật gốc độc bản, có giá trị đặc biệt liên quan đến phong cách tạo hình tượng Phật thế kỷ XVII - XVIII. Bộ tượng Tam Thế Phật cũng là hiện vật, nhóm hiện vật thứ 3 tại Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia(sau Bia Thanh Hư Động, và Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi).
Nét mới là tổ chức Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến thương mại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 với các hoạt động hấp dẫn như lễ hội ẩm thực giới thiệu món ăn tiêu biểu của Hải Dương và các địa phương trong cả nước; trình diễn áo dài sắc màu Hải Dương; các trò chơi dân gian…
Tuần Văn hóa ẩm thực, Du lịch và Xúc tiến thương mại với tổng số 43 gian hàng, gồm: 12 gian giới thiệu về ẩm thực của tỉnh Hải Dương và các vùng miền trong cả nước; 24 gian giới thiệu các sản phẩm OCOP, du lịch, làng nghề truyền thống tỉnh Hải Dương và 7 gian thực hiện trình diễn ẩm thực tiêu biểu của 3 miền. Đặc biệt quảng bá tôn vinh 3 món ăn của tỉnh Hải Dương được “Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam” vinh danh gồm chả Rươi, bánh Cuốn và Bánh Đậu xanh.
Lần đầu tiên tổ chức Giải việt dã Hành trình kết nối di sản văn hoá vào sáng 26/2. Điểm tổ chức lễ khai mạc và xuất phát tại sân tam quan ngoại chùa Côn Sơn. Giải có 3 cự ly: 5km, 10km và 15km. Cung đường chạy sẽ kết nối di tích chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc. Đây là lần đầu tiên một giải chạy quy mô với cự ly dài nhất được tỉnh Hải Dương tổ chức. Bên cạnh các vận động viên chuyên nghiệp, giải sẽ thu hút và huy động đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách tham gia.
Diem nhan le hoi mua xuan Con Son - Kiep Bac nam 2024-Hinh-4
Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã bố trí nhiều khu vực tiểu cảnh, khu check in mới để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách 
Diem nhan le hoi mua xuan Con Son - Kiep Bac nam 2024-Hinh-5
Để chuẩn bị cho lễ hội mùa Xuân 2024, Ban quản lý Khu di tích đã cải tạo cảnh quan, chỉnh trang vườn hoa, cây cảnh trong khuôn viên; lắp dựng hệ thống tuyên truyền trực quan (bảng biển chỉ dẫn quét mã QR) được thay mới, kết nối kỹ thuật số, sử dụng song ngữ Anh - Việt cũng là điểm mới của khu di tích. 
Tại lễ hội sẽ có các hoạt động đặc sắc như thi gói bánh chưng; thi giã bánh giầy, lễ rước nước, liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ XI, thi đấu giải vật dân tộc, thi đấu giải cờ tướng, lễ tế trên núi Ngũ nhạc, lễ giỗ Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả, lễ Mông Sơn thí thực…
Lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc từ nhiều thế kỷ trước đã trở thành nét đặc sắc của văn hóa xứ Đông. Khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc được coi là trung tâm văn hóa, lịch sử lớn trong số các di tích xếp hạng quốc gia của Việt Nam. Hàng năm vào mùa xuân và thu, nơi đây sẽ tổ chức lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, được xem là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của cộng đồng các dân tộc và người dân cả nước khi hướng về cội nguồn.
Sau một năm làm ăn thuận lợi, bước sang năm mới cả cộng đồng dân cư lại làm lễ rước tam vị Thánh tổ thiền phái Trúc Lâm đi cầu nước cho sản xuất, và đời sống dân sinh được đầy đủ thuận hòa. Trong năm mới, họ thành kính rước Phật tổ để chiêm ngưỡng sự thịnh vượng, an lành của đất nước, sự thành đạt, đoàn kết của các lớp con cháu.
Không khí lễ rước nước linh thiêng choáng ngợp, cảm giác vui mừng, hân hoan lan toả như được tiếp thêm sức mạnh phật pháp, với niềm tin Phật, Thánh sẽ chứng cho lòng thành kính của cộng đồng mà ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ và mọi điều an lành.
Lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ là nghi lễ kính cáo với trời đất vào ngày linh thiêng nhất của lễ hội đầu năm, cầu mong trời đất chứng kiến lòng thành kính và phép ứng xử trong đời sống xã hội của cộng đồng đúng đạo làm người, hợp với đạo trời – từ bi hỷ xả mà trời đất, thánh Phật phù giúp cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.. Một nghi lễ quan trọng của lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc là lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 về quy trình, nghi lễ được nâng tầm về quy mô, tính chất, nội dung bài bản, bảo đảm theo nghi thức truyền thống.
Để chuẩn bị tốt cho lễ hội, các đơn vị liên quan trực tiếp thực hiện các sự kiện đã chuẩn bị các điều kiện để lắp đặt sân khấu, gian hàng, trang trí… Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã bố trí nhiều khu vực tiểu cảnh, khu check in mới để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách như khu tiểu cảnh “Sắc xuân Côn Sơn”, “Suối hoa Côn Sơn”, “Côn Sơn tiên cảnh”. “Cây ước nguyện đầu xuân”, khu trải nghiệm Tết xưa, viết thư pháp, xin chữ, cho chữ… thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm.
Cùng với đó, toàn bộ biển bảng chỉ dẫn, thuyết minh tại di tích đã được thay bằng song ngữ Việt - Anh; các hộp đèn LED tuyên truyền hai bên đường lên đền thờ Nguyễn Trãi cũng được làm mới…đáp ứng theo tiêu chí của UNESCO. Dọc các tuyến đường vào di tích treo hàng chục băng rôn tuyên truyền; cắm 2.000 hồng cờ, cờ thần, treo hàng nghìn mét cờ dây, đèn nháy, đèn lồng… tạo điểm nhấn cho di tích.
Ngoài ra, tại lối lên đền Nguyễn Trãi được bố trí khu vực giao lưu hát chèo, hát quan họ tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Ban Quản lý di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc còn bố trí 2 khu vực trưng bày giới thiệu các sản phẩm du lịch, đặc sản của Côn Sơn - Kiếp Bạc và Hải Dương.
Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng đã phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá; không để xảy ra tình trạng đeo bám khách, bán hàng rong, lấn chiếm vị trí bán hàng…; bố trí lực lượng thường trực tại điểm di tích, khu vực tập trung đông du khách để bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và kịp thời hỗ trợ du khách.
>>> Mời độc giả xem thêm video Độc đáo Lễ hội điêu khắc trên cát tại Ai Cập
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)