Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, việc này thể hiện yếu kém của Bộ GTVT trong vấn đề xây dựng các phương án, giải pháp để tận dụng năng lực của xã hội.
“Tức là việc xây dựng không sát thực tế, không mang tính pháp lý, không thể hiện tính khoa học và tính hợp lý khi xây dựng các phương án cho nên bị đổ vỡ”, ông Thủy cho hay.
|
Ảnh minh họa. |
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, việc làm như vậy còn thể hiện sự tùy tiện trong thực thi các hợp đồng.
"Khi làm phải có hợp đồng giữa Bộ GTVT và các doanh nghiệp. Trong hợp đồng đó có điểm rất quan trọng, tức là lời ăn lỗ chịu. Phải đảm bảo thời hạn, đảm bảo chất lượng. Nếu anh không làm được thì đương nhiên phải chịu phạt. Chứ không thể doanh nghiệp không làm được lại giao cho Nhà nước phải mua lại. Điều đó chứng tỏ chúng ta có Luật Quy hoạch, nhưng thực hiện một cách tùy tiện.
Khi giao trả lại Nhà nước, tức là Nhà nước phải bỏ tiền ra mua lại, tiền đó cũng là tiền thuế của người dân. Khi đó cũng đồng nghĩa mục tiêu tận dụng năng lực xã hội thất bại. Khi doanh nghiệp làm chán rồi không làm được nữa lại giao cho Nhà nước. Theo tôi Bộ GTVT không nên tiếp tục cách làm như vậy. Bởi rõ ràng nếu mua lại, cái thiệt lại về cho Nhà nước còn cái lợi lại về cho tư nhân”, ông Thủy nêu ý kiến.
TS Nguyễn Xuân Thủy cũng bày tỏ băn khoăn, nếu Nhà nước mua lại các trạm BOT này thì sẽ tính phí như thế nào? Bởi đối với tư nhân thu phí theo tính toán của các doanh nghiệp nhưng Nhà nước không thể thu phí theo tính toán của tư nhân được, nói cách khác sẽ phải thu phí thấp hơn. Bởi Nhà nước không thể lấy lợi nhuận lên hàng đầu.
“Nhà nước sẽ phải lấy vấn đề tạo điều kiện đi lại, thuận lợi phát triển kinh tế xã hội là chính nên phải giảm chi phí, tức là Nhà nước thiệt. Tôi ủng hộ vẫn có thể dùng đầu tư công để làm các dự án BOT nhưng BOT của Nhà nước phải thấp hơn của tư nhân”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nêu ý kiến.
Mới đây, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giải pháp xử lý khó khăn tại 8 dự án BOT hạ tầng giao thông do Bộ quản lý. Đây là lần thứ 2 Bộ GTVT kiến nghị nội dung này.
Theo đó, Bộ GTVT cho biết 8 dự án BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí hoặc không thể thu do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ. Có dự án đã thu phí song doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng. Nhiều năm qua, cơ quan nhà nước và nhà đầu tư đã tìm giải pháp nhưng không khả thi.
"Các dự án BOT không được xử lý sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông", văn bản của Bộ GTVT nhấn mạnh.
Bộ GTVT cho biết đã đàm phán với các nhà đầu tư về phương án sửa đổi hợp đồng theo hướng: Xóa bỏ trạm thu phí hoặc kéo dài thời gian thu, nhà đầu tư giảm lợi nhuận. Sau khi đàm phán, có 3 dự án khả thi để tiếp tục thực hiện hợp đồng; 5 dự án còn lại bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi, do đó Nhà nước cần mua lại để chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể, 5 dự án được đề xuất mua lại, gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng; BOT vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa với 892 tỷ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP.Cần Thơ với 1.754 tỷ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk với 745 tỷ đồng. Các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi nhà nước bố trí ngân sách mua lại.
Ngoài ra, 3 dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình, gồm: dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỷ đồng vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận; dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm; dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm.
Với nguồn vốn khoảng 10.340 tỷ đồng để xử lý 8 dự án, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT cân đối nguồn vốn phù hợp báo cáo Chính phủ thông qua. Bộ GTVT cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng có giải pháp phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư như cho khoanh nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất vốn vay đối với các khoản vay tín dụng.
Trước đó, vào giữa năm 2022, Bộ GTVT đã trình Chính phủ giải pháp xử lý bất cập tại 8 dự án BOT sau khi đã thống nhất với nhà đầu tư. Nguồn vốn nhà nước dự kiến cần để mua lại các dự án này là 13.115 tỷ đồng.
Giao đầu mối xử lý kiến nghị của Bộ GTVT về vướng mắc tại các dự án BOT
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 3340/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, lấy ý kiến các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT nêu tại Tờ trình số 4405/TTr-BGTVT ngày 27/4/2023 nêu trên; trên cơ sở đó, tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khắc phục ngay tình trạng ô tô thu phí tự động không qua được trạm BOT