“Tối hậu thư” trên được Thủ tướng nhắc lại tại cuộc họp ngày 25/11 mới đây: “Trường hợp đến 31/12/2020 mà chưa vận hành trạm thu phí tự động thì Bộ GTVT quyết định dừng hoạt động thu phí theo đúng quy định của pháp luật”.
Sự quyết liệt của Thủ tướng trong việc chỉ đạo thu phí điện tử không dừng BOT nhằm tăng cường hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, đòng thời, góp phần bảo đảm minh bạch, quản lý tốt doanh thu.
|
Sau 31/12/2020, các trạm BOT chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng, hoặc lắp đặt nhưng không sử dụng sẽ bị tạm dừng thu phí. Ảnh: Zing |
“Trên nóng” vậy, dưới thì sao? Báo cáo mới đây trình Thủ tướng về tiến độ thực hiện ETC, Bộ GTVT liệt kê đến 8 trạm thu phí do Bộ GTVT và 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan có thẩm quyền không thể triển khai hoặc phải lùi thời gian triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) sau năm 2020.
Lý do được Bộ GTVT đưa ra do 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp, 2 trạm chưa được thu phí và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm.
Đồng thời Bộ cũng không quên đưa ra lý do “ việc triển khai thu phí không dừng tại 8 trạm nêu trên sẽ không hiệu quả, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng” để thuyết phục việc không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai ETC.
Thậm chí, trong báo cáo, Bộ GTVT còn nhận định rằng, việc dừng triển khai ETC tại các trạm này không ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hệ thống ETC trên cả nước.
Theo đó, Bộ GTVT tiếp tục khẳng định đến 31/12/2020, cơ bản hoàn thành tiến độ với điều kiện Thủ tướng cho phép Bộ GTVT không triển khai thu phí tự động không dừng tại 3 trạm thu phí hoàn vốn QL51 và 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau quản lý theo đề xuất của tỉnh này. Đồng thời, chưa triển khai hệ thống ETC tại 2 trạm (Bờ Đậu - QL3, trạm T2 - QL91 và lùi thời gian triển khai thu phí điện tử không dừng tại 3 trạm thu phí có doanh thu quá thấp (trạm cầu Thái Hà, trạm Cầu Mỹ Lợi và trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh).
Dù theo báo cáo có thể thấy đã sắp về “vạch đích”. Tuy nhiên, thực tế Bộ GTVT chưa hoàn thành tiến độ như đã cam kết. Bởi trong số các dự án chưa triển khai thu phí tự động không dừng trên, chỉ có 2 dự án do lỗi khách quan. Những dự án còn lại có thể thấy có lỗi chủ quan của nhà đầu tư ETC, BOT và Bộ GTVT khi thiếu quyết liệt triển khai và giải quyết các mâu thuẫn giữa các bên. Bởi không khó có thể thấy, khó khăn, vướng mắc lớn nhất của Dự án là việc đàm phán ký hợp đồng dịch vụ ETC giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT, giữa nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC khiến cho việc triển khai lắp đặt thu phí tự động không dừng chậm trễ.
Và tất nhiên lý do xin “lùi” của Bộ GTVT không hợp lý và không thuyết phục đối với người dân. Ít nhất là không hợp lý với lý do “triển khai thu phí không dừng tại 8 trạm nêu trên sẽ không hiệu quả, phá vỡ phương án tài chính dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng”. Bởi nêu ý kiến trên báo chí, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ TS Phạm Viết Muôn nói rằng: “Thu phí không dừng không liên quan gì đến phương án tài chính của BOT. Bởi một đằng là nộp tiền mặt - chẳng hạn 100 nghìn đồng, một đằng nộp tiền trước vào tài khoản của VETC”.
Đồng thời, một vấn đề vấn còn tồn tại là việc chưa kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông và tài khoản của ngân hàng khiến tiến độ dán thẻ thu phí không dừng (Etag) và tỷ lệ người dùng thực tế rất thấp khi thống kê khoảng 1 triệu xe ô tô dán thẻ E-tag (trên 3,5 triệu xe) nhưng thực tế mới khoảng hơn 400.000 xe sử dụng dịch vụ, đạt tỷ lệ quá thấp.
Thực tế hiện nay nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn đã liên thông tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân của ngân hàng tài trợ vốn cho dự án nhưng người dân chưa thể trích nạp qua tài khoản tất cả các ngân hàng hay ví điện tử để có hình thức thanh toán thuận tiện. Con số hơn 400.000 xe nạp tiền để sử dụng dịch vụ dù cho thấy, người sử dụng chưa tích cực ủng hộ chủ trương thu phí ETC nhưng cũng cho thấy vẫn còn rào cản và những bất tiện trong kết nối thanh toán.
Đáng chú ý, trước đó, trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp tục nhận trách nhiệm và hứa sẽ “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm” do không ít lần chậm tiến độ hệ thống thu phí tự động không dừng. Cũng chính Bộ trưởng Thể từng khẳng định, đến cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí đều sẽ thực hiện thu phí tự động nhưng đến nay chưa thực hiện xong.
Thêm một lần nữa việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng lại chưa hoàn thành theo đúng mục tiêu đã đề ra, lần này có đến 8 BOT chưa hoàn thành theo thời hạn 31/12. Vậy trách nhiệm Bộ GTVT ở đâu? Trách nhiệm của Bộ trưởng Thể như thế nào? Hay lại xin nghiêm khắc rút kinh nghiệm?
Dư luận đề nghị, Chính phủ cần có biện pháp xử lý khi Bộ GTVT không hoàn thành theo tiến độ đề ra. Đồng thời kiên quyết tạm dừng thu phí đối với các trạm BOT chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng hoặc lắp đặt nhưng không sử dụng sau ngày 31/12. Không thể chấp thuận lùi hoặc dừng việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng của bất kỳ trạm BOT nào dù bất cứ lý do gì để đảm bảo sự minh bạch, công bằng và tiến độ triển khai thu phí ETC.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vì sao VETC xin dừng dự án thu phí không dừng?