Cụ thể, sa thải đối với nhân viên trực ban chạy tàu, thôi giao nhiệm vụ trưởng ga đối với 1 cá nhân và khiển trách 2 cá nhân.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vào hồi 1h36 phút ngày 14/7, theo kế hoạch của điều độ, tàu SQN2 tránh tàu SE1 tại ga Suối Vận (Bình Thuận) thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM. Trực ban chạy tàu ga Suối Vận đón tàu SQN2 vào đường số 2, sau đó tại tiếp tục đón tàu SE1 vào đường số 2.
Lái tàu SE1 đã phát hiện và cho dừng tàu SE1 trước tàu SQN2 khoảng cách 80m. Sau khi phát hiện sự cố, trực ban chạy tàu đã cho tàu SE1 lùi lại và dẫn tàu SE1 sang đường số 3 và cho tàu SQN2 chạy.
|
Ngành đường sắt xử lý trách nhiệm sau sự cố giao thông tại Ga Suối Vận. (Ảnh minh họa) |
Sau khi xảy ra vụ việc hai đoàn tàu suýt đâm nhau, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các ban chuyên môn tổng hợp hồ sơ, triệu tập các cá nhân, tập thể liên quan. Ngày 16/7, Tổng công ty đã tổ chức Hội nghị phân tích để làm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm của tập thể và các cá nhân liên quan khi để xảy ra sự cố.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, ga Suối Vận, thuộc chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn và phải chịu trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ các chi phí thiệt hại do sự cố gây nên. Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn đã phân tích, xử lý các cá nhân liên quan đến vụ việc; trong đó, đình chỉ công tác và đề nghị sa thải đối với nhân viên trực ban chạy tàu, thôi giao nhiệm vụ trưởng ga 1 cá nhân, khiển trách 2 cá nhân (1 giám sát viên khu vực, 1 gác ghi đầu Bắc), hạ chất lượng công tác 1 cá nhân (gác ghi đầu Nam). Nguyên nhân cũng được xác định là nhân viên trực ban đã ngủ quên.
Để ngăn chặn các sự việc tương tự, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo các ban chuyên môn, các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, phân tích, quy trách nhiệm và thông báo đến các đơn vị trong toàn ngành để tổ chức rút kinh nghiệm, xây dựng các biện pháp để ngăn chặn.
Tổng công ty Đường sắt Việt nam cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các quy trình, quy định và các văn bản liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu, an toàn giao thông đường sắt...; bổ sung, sửa đổi kịp thời cho phù hợp với điều kiện thực tế, để đảm bảo an toàn mọi mặt.