ĐBQH: Còn hơn 42% dịch vụ y tế chưa có giá, ai chịu trách nhiệm?

Google News

Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều 6/1, đại biểu quốc hội bày tỏ nhiều băn khoăn về giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Chiều 6/1, tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ hai Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
Nên phân giá khám chữa bệnh ra 2 luồng
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, còn 2 vấn đề đó là giá dịch vụ khám chữa bệnh và tự chủ bệnh viện.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần phân hai luồng giá viện phí. Một là giá được bảo hiểm chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả đấy.
DBQH: Con hon 42% dich vu y te chua co gia, ai chiu trach nhiem?
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: QH.
"Đây là việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ trong việc khám chữa bệnh, luật nên đưa vào nguyên tắc chung và các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn theo lộ trình", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu.
Luồng thứ 2, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu là giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Đây là chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. Do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt.
Cùng với đó, việc thanh, kiểm tra, rà soát giá khám chữa bệnh bảo đảm công khai, giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh thanh tra, kiểm tra.
Về vấn đề tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng đây là vấn đề khó nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá khám, chữa bệnh thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân trong các tình huống cấp cứu.
Còn hơn 42% dịch vụ chưa có giá kéo dài nhiều năm
Góp ý vấn đề liên quan đến giá khám, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, Bộ Y tế chỉ hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định giá mà Luật Giá đã quy định. Cho rằng hiện nay có 19.150 dịch vụ kỹ thuật cần phải định giá, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn Bộ Y tế định giá gì.
DBQH: Con hon 42% dich vu y te chua co gia, ai chiu trach nhiem?-Hinh-2
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: QH. 
Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ xác định 10% giá dịch vụ kỹ thuật, 48% dịch vụ thực hiện quy đổi giá, còn hơn 42% dịch vụ chưa có giá kéo dài nhiều năm. Đại biểu băn khoăn hơn 42% chưa có giá dịch vụ thì ai chịu trách nhiệm, cơ sở khám chữa bệnh sẽ vận dụng giá nào? Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu Bộ Y tế chưa công bố giá, định giá thì cơ sở khám chữa bệnh được làm.
Về việc tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có nguyên tắc về tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh rõ ràng hơn. Trong đó cần quy định cụ thể nguyên tắc về tự chủ tổ chức và nhân sự.
“Còn nếu đợi hướng dẫn của Chính phủ thì liệu hướng dẫn đó có phù hợp với suy nghĩ của đại biểu Quốc hội và mong muốn như vậy không? Vì trong tổ chức nhân sự, ngoài bộ máy, biên chế, tuyển dụng, có nội dung phải trả lương chính sách cho cán bộ và chưa có quy định nào cấp luật về vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân giải thích thêm.
Về tài chính, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, dự thảo nêu tự chủ theo quy định của pháp luật, nhưng chưa rõ là theo Luật nào, đề nghị nên nêu rõ theo nguyên tắc tự chủ nào, và theo quy định pháp luật nào, sớm hoàn thiện để trình nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Luật càng phức tạp thì càng phải chặt chẽ, không để nội dung trái với luật khác được quy định trong Luật này. Cần nhìn bài học 10 năm qua, những luật nào Chính phủ trình mà không kèm theo Nghị định thì sau này sẽ rất khó khăn. Vì vậy, đại biểu kiến nghị chỉ trình Luật này khi kèm theo Nghị định hướng dẫn để kiểm soát, đồng thời cần lấy ý kiến của 100 bệnh viện trên cả nước trước khi trình.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) góp ý về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) Nguồn: QHTV.


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)