Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng lừa đảo núp dưới vỏ bọc là những doanh nhân giàu có để chiếm đoạt tiền góp vốn đầu tư vào các dự án. Hình thức lừa đảo hợp tác kinh doanh của các đối tượng là một thủ đoạn khá mới, cho dù các bị hại có lưu lại được sao kê chuyển khoản cho các đối tượng, nhưng để khẳng định hành vi của chúng là lừa đảo thì không hề đơn giản.
|
Ảnh minh hoạ. |
Chị T.H, nhân viên một công ty may mặc lớn tại Hà Nội chia sẻ, mới đây, chị được nhân viên một công ty có trụ sở tại Hà Nội chào mời góp vốn đầu tư với lợi nhuận lên đến 30%/năm. "Nhân viên này nói rằng, hình thức đầu tư giống gửi tiết kiệm. Công ty sẽ trả lãi 18-30%/năm tùy thời gian hợp tác. Tháng 8/2022, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu nội bộ, người góp vốn sẽ thành cổ đông Công ty. Nhưng khi tôi xem điều khoản hợp đồng thì không có gì đảm bảo cho số tiền góp vốn này. Hợp đồng hợp tác đầu tư cũng không nêu rõ là đầu tư vào mục đích, dự án gì", chị H. cho biết.
Đầu tháng 3 vừa qua, TAND tỉnh Hậu Giang đã xét xử Võ Thanh Long - cựu Tổng giám đốc khu du lịch sinh thái Phú Hữu (huyện Châu Thành, Hậu Giang) cùng các đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án này có tới 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước đã bị lừa tổng số tiền gần 160 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang, từ tháng 4/2017 đến tháng 10/2019, bị cáo Võ Thanh Long không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu. Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động nhưng Long đã cùng các đồng phạm lợi dụng dự án để huy động vốn theo phương thức đa cấp qua các hình thức như hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng đại lý bán vé du lịch...
Hay như trước đó, TAND TP HCM đã xét xử sơ thẩm Nguyễn Hữu Tiến (38 tuổi, trú tại TP HCM, cựu Chủ tịch Công ty Thiên Rồng Việt) và đồng phạm. Theo cáo trạng, Nguyễn Hữu Tiến thành lập các công ty, nhưng không hoạt động kinh doanh mà lôi kéo, huy động vốn đa cấp, chiếm đoạt 460 tỷ đồng của 10.059 người.
|
Trùm đa cấp lừa đảo Nguyễn Hữu Tiến.
|
Chia sẻ về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, nắm bắt được nhu cầu đầu tư, kinh doanh của người dân, nhiều đối tượng đã biến tướng việc hợp tác đầu tư thành các chiêu trò, thủ đoạn để lừa đảo tài sản.
Các đối tượng lựa chọn hình thức ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư nhằm mục đích né tránh các trách nhiệm hình sự, dựa vào lý do các bên tự nguyện thỏa thuận, cùng làm ăn, đầu tư chung trên nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu. Vì thế, khi thất thoát, thua lỗ thì cùng chịu chung chứ không thể quy trách nhiệm cho phía công ty.
Luật sư Hùng cho biết, dưới góc độ luật pháp, các hành vi, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo vẫn có nhiều dấu hiệu hình sự rất rõ ràng. Cụ thể, thông tin về dự án hợp tác đầu tư là gian dối. Nhiều trường hợp ký kết hợp đồng nội dung không rõ ràng, không có thông tin gì về dự án như vị trí, tổng mức đầu tư, chi phí đầu tư, thời hạn triển khai và không có các giấy tờ pháp lý gì liên quan dự án.
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Thực tế thông tin là ảo, không có thật. Thậm chí dự án đầu tư vốn rất thấp, nhưng cố tình lợi dụng để vẽ vời dự án, huy động vốn lên gấp cả trăm, nghìn lần. Các đối tượng cố tình lập lờ, không rõ ràng về thông tin dự án, hợp tác đầu tư. Chính vì thế, các đối tượng không hề có ghi chép, báo cáo thuế...
Luật sư Hùng cũng cho biết, một dấu hiệu khác là họ thường vẽ vời, cam kết lợi nhuận rất lớn. Về nguyên tắc, lợi nhuận chỉ được tính khi lấy tổng doanh thu trừ đi các chi phí giá vốn, quản lý, lãi ngân hàng, chi phí vận hành. Như vậy, lợi nhuận chỉ biết được sau một chu kỳ kinh doanh (có thể tính theo năm tài chính hoặc một chu kỳ vận hành của dự án). Từ cơ sở này có thể khẳng định rằng các bên cam kết về lợi nhuận tối thiểu, cam kết về lãi suất đều không có căn cứ, gian dối, không có cơ sở thực hiện.
Thậm chí nhiều đối tượng cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30% hoặc có những trường hợp lên đến 50-70%/năm. Đây là những chiêu trò khá phổ biến để khiến cho người dân tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo người dân ký kết hợp đồng. Các cam kết này chỉ là "hứa hẹn" không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng.
Cũng theo ông Hùng, một chiêu trò nữa là nộp tiền vào tài khoản cá nhân của các cổ đông/người đại diện của công ty hoặc nộp bằng tiền mặt (ghi nhận bằng phiếu thu tiền). Theo luật sư, với hình thức này thì thực tế tiền không được đưa vào các tài khoản ngân hàng công ty. Các đối tượng dễ dàng chuyển tiền và sử dụng trái mục đích. Việc mập mờ về thu nộp tiền là cách để lách, trốn các trách nhiệm, nhất là việc trốn tránh việc quản lý, theo dõi của các cơ quan thuế, các cơ quan nhà nước. Vì vậy, nhiều vụ vỡ lở số tiền thiệt hại lên đến cả trăm, nghìn tỷ đồng.
Thêm nữa, với những dự án lừa đảo thường không có bộ máy kiểm soát, vận hành liên quan dự án. Vì thế không có bất cứ thông tin gì về việc triển khai hoạt động kinh doanh của công ty. Một dấu hiệu khác là không có sổ sách, kế toán, ghi chép gì về việc kinh doanh, đầu tư, nguồn tiền, chi phí... hoặc ghi chép không rõ ràng, không theo luật kế toán. Vì thế, không biết nguồn tiền thu được chi phí mục đích gì.
Ngoài ra, theo luật sư Hùng, còn tình trạng sử dụng sai mục đích dòng tiền thu được; chủ yếu dùng trả nợ, trả lãi cho người trước, sử dụng vào tiêu dùng cá nhân dẫn đến thất thoát, mất khả năng thanh khoản, không còn khả năng trả nợ. “Với các dấu hiệu như trên, rõ ràng vẫn có đủ căn cứ chứng minh các dấu hiệu "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bằng các hình thức hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư”, luật sư Hùng chia sẻ.
>>> Xem thêm video: Giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo