Đặt ga tàu điện ngầm ở Hồ Gươm, vì sao chưa chốt vị trí?

Google News

Theo Thường trực Chính phủ, lựa chọn vị trí xây dựng ga C9 có tác động lâu dài. Do đó, cần xem xét vị trí ga ngầm cách Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ về phương án tuyến và vị trí ga ngầm C9 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Dat ga tau dien ngam o Ho Guom, vi sao chua chot vi tri?
 Thường trực Chính phủ có ý kiến về phương án tuyến và vị trí ga ngầm C9.

Thông báo nêu rõ: Khu vực Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn là Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng tại Quyết định số 2383 năm 2013.

Ngoài ra, tại khu vực còn có Đền Bà Kiệu là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng từ năm 1994. Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn và các di tích lân cận có giá trị lịch sử, tín ngưỡng và ý nghĩa quan trọng đặc biệt không chỉ của Thủ đô Hà Nội mà của cả nước.

Do vậy, phương án lựa chọn đầu tư phát triển giao thông đô thị và phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến các di tích lịch sử này cần phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hóa và quy định pháp luật liên quan: không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích.

Đánh giá cao sự nỗ lực, thận trọng của UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị, Thường trực Chính phủ yêu cầu Hà Nội tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan dự họp để quyết định theo thẩm quyền vị trí ga ngầm C9 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Theo Thường trực Chính phủ, việc quyết định lựa chọn vị trí xây dựng ga C9 có tác động lâu dài. Do đó, cần xem xét lựa chọn vị trí ga ngầm C9 cách Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu có khoảng cách phù hợp, hiệu quả bảo đảm an toàn tối đa các công trình văn hóa theo quy định pháp luật và bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của cụm di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố về giao thông đô thị, kiến trúc, cảnh quan, môi trường của khu vực Hồ Hoàn Kiếm và nhu cầu phát triển dài hạn...

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Thường trực Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương tập trung rà soát, tính toán kỹ, đầy đủ các nội dung, hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (trong đó lưu ý giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện, dự phòng chi phí, tổng mức đầu tư để không phải điều chỉnh khi thực hiện dự án; làm rõ thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án); báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

>>> Mời độc giả xem thêm video Những tượng đá gây tranh cãi trong di tích lịch sử quốc gia (Nguồn: VTV24)

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)