Tình trạng
người sống "sống chung" với người chết nói trên đang diễn ra tại khu vực ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM. Khu vực này chỉ cách nghĩa trang, đài hoả táng Đa Phước chưa đầy 1km.
|
Nhiều hộ dân ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh bán đất cho người có nhu cầu để an táng người chết.
|
Theo phản ánh của rất nhiều người dân, trên địa bàn tổ 2, ấp 2, xã Đa Phước có rất nhiều hộ dân phân lô, bán đất để chôn cất người chết, hình thành nghĩa trang trong vườn, ruộng, ngay giữa khu dân cư. Theo người dân thì việc này khiến họ rất hoang mang, lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường lâu dài.
“Bức xúc không thể chịu được nhà báo ơi. Dù biết rằng nếu cứ để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt gia đình, sức khoẻ con cháu nhưng chúng tôi không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù”, một hộ dân ngụ trên đường làng, cạnh quốc lộ 50, ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh chia sẻ.
|
Con trai bà U. đưa PV vào khu đất ruộng, hiện đã biến thành nghĩa địa, để giới thiệu bán đất làm mộ chôn người chết.
|
Để tìm hiểu sự việc, PV Kiến Thức trong vai người có nhu cầu mua đất lập mộ cho gia tộc, đi dọc QL50, đoạn qua ấp 2, xã Đa Phước. Khi biết được nhu cầu của PV, một “cò đất” ven quốc lộ 50 đã nhiệt tình chỉ đường vô tổ 2 với lời dặn “vô trong đó có rất nhiều người dân bán đất lập mộ”.
Theo chỉ dẫn như trên, PV đến nhà bà U. hỏi mua đất. Ngay lập tức bà U. kêu con trai dẫn khách ra tham quan cụ thể khu nghĩa địa đầy mộ mới lẫn cũ nằm giữa khu dân cư, nhà cửa san sát nhau.
|
Hàng chục ngôi mộ cũ, mới dày đặc giữa khu dân cư ở ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. |
|
Nhiều ngôi mộ đã chôn và xây sẵn chờ chôn người chết nằm sát nhà dân, cạnh bên là những bồn nước bơm từ giếng khoan làm nước sinh hoạt.
|
“Đất ruộng này là của gia đình tôi, một phần mộ 4m2 mẹ tôi bán từ 12 triệu đến 15 triệu đồng. Nếu muốn xây tôi cũng bao luôn, mỗi mộ giá 15 triệu đồng”, con trai bà U. cho biết.
Khi được chúng tôi hỏi về vấn đề pháp lý cũng như việc chính quyền địa phương có kiểm tra, nhất là lúc người thân tổ chức chôn cất, bà U. khẳng định: “Đất tôi, tôi bán hay làm gì là quyền của tôi. Chắc chắn không có chuyện đi kiểm tra hay bắt di dời. Tôi đã bán lấy tiền thì phải có trách nhiệm với khách”.
Cách không xa nhà bà U., PV tiếp tục có mặt tại khu đất ruộng nhà ông A, ông Nh. và cũng được những người này nhiệt tình chào mời mua đất ngay giữa khu dân cư để làm mộ chôn cất người thân. Theo quan sát, tại vườn nhà ông A., hàng chục ngôi mộ đã chôn mới xây và các ngôi mộ xây sẵn (chưa chôn) kín hết chỗ. Điều đang nói là khu đất
nghĩa địa tự phát của những người dân nói trên sát bên nhiều nhà dân mà đa số sử dụng nước sinh hoạt từ nước giếng khoan trong lòng đất.
|
Người dân ấp 2, xã Đa Phước hết sức hoang mang, lo sợ ô nhiễm nguồn nước khi hàng ngày đang và sẽ còn “sống chung” với người chết.
|
Trước sự việc trên, trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND xã Đa Phước cho biết không biết sự việc này. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra những khu vực nói trên và sẽ có phản hồi cụ thể. Tôi khẳng định trên địa bàn xã, ngoài nghĩa trang Đa Phước được xây dựng theo chủ trương của thành phố, không có trường hợp nào được cấp phép xây dựng nghĩa trang”, lãnh đạo xã Đa Phước, khẳng định.
Có thể bị phạt hàng tỷ đồng
Một Luật sự thuộc Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: “Người dân bán đất để người khác chôn cất người chết, xây mộ và hình thành một khu như nghĩa trang là hết sức nguy hiểm cho môi trường nơi đó. Việc xây dựng nghĩa trang phải phù hợp quy hoạch theo quy định tại Nghi định số 23/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016. Theo đó, tại khoản 1, điều 3 xác định: Tất cả các nghĩa trang, cơ sở hoả táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hoả táng phải tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng bảo vệ môi trường”.
Ngoài ra, theo quy định của luật Đất đai năm 2013, thì tại điều 7, phân thành 2 loại: Đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Tại điều 10 xác định đất làm nghĩa trang, nghĩa địa thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
“Những hành vi bán đất nông nghiệp ngay giữa khu dân cư để chôn người chết xảy ra ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh đề cập nói trên đã vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường và có thể bị xử phạt hành chính. Theo Nghị định 179/2013 về xử phạt thì mức phạt có thể lên đến hàng tỉ đồng”, vị luật sư nói trên cho biết.