|
Bà Bán phải liên tục đặt miếng keo dính ruồi trên bàn uống nước nhưng ruồi vẫn không giảm. |
Keo dính ruồi đặt khắp nhà
Theo phản ánh của người dân xóm Cửa Khe (xóm 4, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc), những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường sống xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên ngày càng trầm trọng: Không những bị “tra tấn” bởi khói bụi, mùi hôi thối mà ruồi muỗi xuất hiện ngày càng dày đặc khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân. Chỉ tay vào những miếng keo dính đen đặc ruồi đặt khắp ngõ ngách trong nhà, chị Nguyễn Thị Ngũ (SN 1980, trú xóm 4, xã Nghi Yên) bức xúc cho biết, ruồi muỗi ngày xuất hiện một dày đặc, nhất là vào những ngày mưa thì khắp nơi chỉ có duy nhất một thứ “ruồi” và bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối do nước rỉ rác chảy từ nhà máy ra ngoài, khói bụi và mùi khét từ khói thải của nhà máy xử lý chất thải rắn khiến cuộc sống người dân trở nên rất ngột ngạt. “Trong thời gian qua, lượng ruồi, muỗi xuất hiện nhiều một cách bất thường khiến ai nấy đều rất khổ sở. Hơn nữa, mùi hôi thối trong quá trình xe vận chuyển rác vào bãi cũng khiến cho nhiều hộ dân bức xúc. Đặc biệt mỗi lúc trời có gió, mùi hôi bốc lên nồng nặc, khói bụi có mùi khét lẹt bao trùm cả khu vực rất ngạt thở”, chị Ngũ nói trong lo lắng.
Theo phản ánh của người dân, quy trình xử lý rác thải ban đầu thì nước rỉ rác sẽ được cho vào hố trồng cây sậy nhưng những cây sậy ở hố này cũng đã bị chết gần hết nên nước rỉ rác có màu đen, bốc mùi hôi thối được cho chảy vào một hố không đáy lót được đào sơ sài, sau đó cho chảy vào một ống xả ngầm thẳng ra sông Cấm. Nhiều lần mưa lớn khiến nước rỉ rác từ bãi rác tràn ra ngoài các mương dân sinh làm cá chết hàng loạt. “Không những hôi thối, ngột ngạt mà ruồi muỗi thì nhiều như có dịch bệnh vậy. Thậm chí ăn cơm cũng không tài nào ăn nổi khi mà cứ dọn cơm ra là ruồi, nhặng xanh bâu kín mâm, nhiều gia đình đành phải căng màn lên, bật quạt thật lớn rồi chui vào trong màn ăn cơm để đỡ ruồi”, bà Nguyễn Thị Bán (SN 1944, trú xóm 4, xã Nghi Yên) nói và cho biết cũng vì ruồi muỗi quá kinh khủng mà nhiều người thân khi đến chơi nhà “một đi không trở lại” do quá sợ hãi.
Lên kế hoạch di dời các hộ dân bị ảnh hưởng
|
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên. Ảnh: Thiên Ân |
Chị Ngũ cho biết, những ngày đầu Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên mới đi vào hoạt động, người dân được phép giám sát quá trình phun thuốc diệt ruồi tại bãi rác sau khi các xe chở rác đổ rác, nhưng hoạt động này sau đó đã không còn thực hiện được nữa. Mỗi tháng các hộ dân xung quanh nhà máy rác này được nhận tiền hỗ trợ môi trường dao động từ 20.000 đến 40.000 tùy vào khoảng cách gần xa. Tuy nhiên, số tiền này mới chỉ đủ để phục vụ mua nước sinh hoạt, diệt ruồi muỗi trong một ngày. “Tôi nhận được mỗi tháng 30.000 đồng nhưng chỉ đủ trong một ngày chứ mấy. Mỗi ngày trung bình tôi phải mua từ 8 đến 10 miếng keo dính ruồi đã mất 15.000 đồng rồi, cộng với một bình nước 10.000 đồng để nấu ăn nữa”, chị Ngũ nói và cho biết do không khí ở đây bị ô nhiễm, bụi bặm nên người dân phải mua nước lọc về nấu ăn và uống chứ không dám sử dụng nước mưa, nước giếng khoan nữa.
Không những lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường từ khu xử lý rác thải này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình mà người dân nơi đây còn lo ngại và đặt nghi vấn nếu không đầu tư xử lý tốt vấn đề nước rỉ rác về lâu dài sẽ ảnh hưởng với môi trường của sông Cấm và một số bãi biển phục vụ du lịch ở các vùng phụ cận. Theo quy định, khi triển khai xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên thì việc tính toán di dời các hộ dân xung quanh phải được thực hiện song song. Đã nhiều lần các hộ dân nơi đây gửi đơn kêu cứu đến chính quyền các cấp, thế nhưng các hộ dân nơi đây vẫn phải ngóng chờ từ lần này đến lần khác.
Mới đây, ngày 8/11, tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP Vinh, huyện Nghi Lộc, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường Nghệ An với người dân sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, ông Nguyễn Hoài An - chủ tịch UBND TP Vinh cho biết qua kiểm tra, rà soát có khoảng 50 hộ dân trong phạm vi 500 - 600m cách khu liên hợp cần phải di dời và khoảng 200 hộ dân trong phạm vi 1km bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Thanh Hải, phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết ngoài kế hoạch di dời các hộ dân gần khu liên hợp đến nơi tái định cư mới, chính quyền địa phương cũng sẽ đề nghị đơn vị quản lý, vận hành khu xử lý rác thải Nghi Yên hoàn chỉnh các hạng mục đảm bảo vận hành đúng quy trình kỹ thuật.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên được đầu tư gần 100 tỉ đồng trên tổng diện tích 53ha, đi vào hoạt động từ tháng 9/2011 trực tiếp thu nạp, xử lý rác thải toàn khu vực thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị trấn Quán Hành và một phần của các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn. Dự án do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nghệ An khai thác và quản lý, với công suất xử lý rác thải rắn gần 300 tấn/ngày.
>>> Mời quý độc giả xem video ý thức xả rác bừa bãi (nguồn VTV):