Các vấn đề người dân quan tâm
Theo nội dung, chương trình, Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ thảo luận và thông qua các dự thảo Văn kiện với báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm; báo cáo tổng kết chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược giai đoạn 2021-2030; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 2021-2025; báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương khóa XII; bầu Ban chấp hành trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021-2026).
|
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 25/1.
|
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương khi nói về những vấn đề được người dân quan tâm trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho biết, qua tổng hợp lấy ý kiến cho thấy, người dân rất quan tâm đến các dự thảo văn kiện, trọng tâm là báo cáo chính trị, trong đó vai trò của nhân dân được xem là chủ thể và có vị trí rất quan trọng, được đề cao trong mọi mặt, lĩnh vực, nhiệm vụ của báo cáo chính trị.
Người dân rất quan tâm đến việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Ông Nguyễn Phước Lộc cho biết, dự thảo Báo cáo chính trị đã chỉ ra các định hướng nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân như: Thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt, dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tổ chức Đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước.
Trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những định hướng và giải pháp nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được đề ra trong mục này khá toàn diện, cụ thể và có điểm mới mà trước đây chưa đề cập đến như đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Nhân dân đánh giá cao và đồng tình với nhận định này.
|
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.
|
Vấn đề thứ hai mà người dân luôn quan tâm, đó là thành tố khơi dậy ý chí khát vọng phát triển đất nước tạo sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới. Nhân dân quan tâm và đóng góp nhiều giải pháp cụ thể ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho 3 chương trình đột phá, vì mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững, cốt lõi là phục vụ nhân dân
Một vấn đề nữa cũng được người dân quan tâm sâu sắc hơn nữa là công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó nội dung rất quan trọng là công tác phòng, chống tham nhũng. Người dân quan tâm, đồng tình ủng hộ, đánh giá cao về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và mong muốn rằng sắp tới phải có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, sự phục vụ nhân dân. Đồng thời đề nghị phải kiểm soát chặt chẽ hơn việc kê khai tài sản, thu nhập, việc giải trình những tài sản bất minh, không lý do và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.
“Chúng ta làm tốt điều đó thì người dân đánh giá rất cao, củng cố được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn sắp tới”, - ông Nguyễn Phước Lộc cho biết.
Nhân dân kỳ vọng vào công tác lựa chọn nhân sự
Một nội dung quan trọng được đại hội thực hiện là bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Theo phương án nhân sự, Trung ương khóa XIII có 200 người, gồm 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết. Số lượng nhân sự được chuẩn bị để trình ra Đại hội có số dư từ 10 - 15%. Đại hội có thể đề cử giới thiệu thêm nhưng số dự không quá 30%.
Nói về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, kế hoạch về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, hiệu quả; có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh.
Các nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, về cơ bản bảo đảm số lượng, cơ cấu, chất lượng; đã được đào tạo qua 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược, là nguồn nhân sự hết sức quan trọng để chủ động chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự phiên họp trù bị (Ảnh: TTXVN) |
Công tác chuẩn bị nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao. Đồng thời, tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, hiệu quả theo phương châm: Làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.
Thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hoà, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả; bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc…, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong Nhân dân.
Quy trình nhân sự được tiến hành theo các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời, được cụ thể hóa cho cả tái cử, lần đầu tham gia và theo từng nhóm đối tượng chức danh. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.
Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định.
Về một số nhân sự đặc biệt, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, xuất phát từ tình hình thực tiễn; căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là trên cơ sở sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng, trong Nhân dân và yêu cầu, đòi hỏi của các vị trí, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu ở các cơ quan của Trung ương Đảng và cơ quan Nhà nước; Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan.
Từ đó đã thống nhất cao lựa chọn một số nhân sự thuộc trường hợp “đặc biệt” cả với nhân sự tái ứng cử và lần đầu tham gia để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, lựa chọn bầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII.
Ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cân nhắc thận trọng, xem xét kỹ lưỡng và thống nhất cao chọn một số nhân sự đặc biệt cả tái cử và giới thiệu lần đầu trình ĐH XIII xem xét, quyết định.
“Đại hội Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất nên việc có sửa Điều lệ Đảng hay không do Đại hội xem xét” - ông Chính nhấn mạnh.
Đặt nhiều kỳ vọng, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, cán bộ, đảng viên và Nhân dân cũng đặc biệt quan tâm, hướng tới với nhiều tâm tư, gửi gắm, kỳ vọng vào một Đại hội thành công. Thông qua Đại hội, Đảng ta sẽ bầu ra đội ngũ lãnh đạo cao nhất của đất nước, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các chức danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nhiệm kỳ mới sẽ là những đồng chí có đức, có tài, có tầm nhìn sâu rộng, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, tâm huyết để lãnh đạo đất nước tiếp tục bứt phá tiến lên, sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thực sự giàu mạnh, hùng cường.
Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII không chỉ xác định mục tiêu phát triển đất nước trong 5 - 10 năm tới mà còn đưa ra tầm nhìn, định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045. Cụ thể mục tiêu:
Đến năm 2025: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp;
Năm 2030: Việt Nam là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;
Năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một khát vọng đi tới 25 năm để đến mốc Việt Nam trở thành đất nước phát triển thu nhập cao vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình. Đây là một mục tiêu rất lớn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tổng duyệt diễn tập phương án bảo vệ Đại hội Đảng