Mới đây, liên quan vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 đối tượng vì liên quan đến "đường dây" mua bán hàng triệu tấn than trái phép.
Đáng chú ý trong nhóm đối tượng bị bắt giữ có Châu Thị Mỹ Linh (SN 1970, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước); Bùi Hữu Giang (đại gia lan đột biến, SN 1989, trú tại tỉnh Quảng Ninh, lao động tự do); Bùi Hữu Thanh (SN 1989, trú tại tỉnh Quảng Ninh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương); Bùi Mạnh Cường (SN 1984, trú tại tỉnh Quảng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương)...
|
Các bị can liên quan vụ án. |
Căn cứ kết quả điều tra, lực lượng chức năng xác định Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước đã câu kết, bàn bạc với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương tổ chức thực hiện khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến ở xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp cùng Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Hải Dương… tiến hành kiểm tra các kho, bãi chứa than không rõ nguồn gốc của các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Trong 6 ngày thực hiện kiểm tra tại đây (19/8 - 24/8) hàng trăm kiểm soát viên và chiến sỹ thuộc lực lượng Quản lý thị trường, lực lượng công an kinh tế, cảnh sát cơ động đã ghi nhận hàng chục nghìn tấn than nằm ngoài hóa đơn hợp pháp được xuất trình.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra bãi than tại thị xã Kinh Môn. |
Đến chiều tối ngày 27/8, quá trình kiểm tra tại các bãi than trên địa bàn thị xã Kinh Môn vẫn đang tiếp tục được lực lượng QLTT Hải Dương tiến hành để gấp rút xác định khối lượng than vi phạm trên địa bàn Hải Dương.
Kết quả sơ bộ cho thấy, hàng hóa tồn trữ tại các điểm kiểm tra được xác định ban đầu là than các loại, xít và quặng. Sơ bộ xác minh tổng lượng hàng tồn tại 17 địa điểm kiểm tra khoảng 379.072 tấn.
Trong đó, 6 tổ chức, cá nhân có số lượng hàng hóa (than, khoáng sản) thực tế tồn trữ tại điểm kinh doanh lớn hơn số lượng theo hóa đơn, chứng từ đầu vào, cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho hoặc quá trình kiểm tra chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ đầu vào với tổng khối lượng khoảng 46.154 tấn (dư).
Sơ bộ xác định số lượng hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thương mại. Số lượng hàng hóa này đã được tạm giữ để xác minh, làm rõ.
Cũng theo kết quả kiểm tra ban đầu, 11 tổ chức, cá nhân có số lượng hàng hóa thực tế tồn tại địa điểm kinh doanh bằng hoặc ít hơn số lượng theo hóa đơn chứng từ đầu vào cũng như thể hiện trên sổ sách theo dõi tồn kho với tổng khối lượng 56.319 tấn. Cơ quan chức năng cho rằng, cần xác minh mở rộng có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn để xem xét có dấu hiệu cấu thành hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khác hay không.
3 tổ chức, cá nhân chưa thực hiện xong việc đo, vẽ mặt bằng, xác định khối lượng hàng hóa tồn trữ tại địa điểm kinh doanh cũng như chưa thực hiện xong việc lấy mẫu hoặc cơ sở kiểm tra chưa xuất trình hết hóa đơn, chứng từ có liên quan cho đoàn kiểm tra.
Được biết, các bãi than được bố trí nằm cách nhau từ 5-7km, giáp bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển đường thuỷ, nằm ở xa khu dân cư và cử người canh gác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh, làm rõ.
Các bãi than tại huyện Kinh Môn, Hải Dương đa số là bãi than lậu, chỉ có ít công ty được cấp phép thuê mặt bằng, số bãi than còn lại chủ yếu do các doanh nghiệp, hộ cá thể mua gom đất bãi của người dân đấu thầu, sau đó tự ý san lấp thành bãi phẳng rồi cho doanh nghiệp kinh doanh than thuê lại mặt bằng, hưởng chênh lệch. Như vậy, ngoài việc khối lượng than thực tế vượt quá khối lượng trong hoá đơn chứng từ, khai thác lậu thì đa số các bãi than trên không được cấp phép.
Thị xã Kinh Môn thành lập đoàn kiểm tra bến bãi ngoài đê, ven sông
Ngày 25/8, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Trương Đức San ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động của các bến bãi ngoài đê, ven sông trên địa bàn thị xã. Đoàn kiểm tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, nội dung, lịch kiểm tra cụ thể đối với từng bến bãi. Lập biên bản vi phạm hành chính, tham mưu Chủ tịch UBND thị xã quyết định xử lý, kiến nghị dứt điểm hoạt động vi phạm pháp luật các bến bãi. UBND các xã có trách nhiệm phối hợp với đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, xử lý các hoạt động vi phạm của các bến bãi trên địa bàn.
Khởi tố 4 lãnh đạo Công ty Yên Phước:
Liên quan vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty CP Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan, trong số 12 đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố có 4 bị can của Công ty CP Yên Phước gồm Châu Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty CP Yên Phước; Ngụy Quang Thuyên, nhân viên Công ty CP Yên Phước; Doãn Thị Định, nhân viên kế toán Công ty CP Yên Phước; Đỗ Thị Luyến, nhân viên Công ty CP Yên Phước.
Công ty CP Yên Phước được cấp giấy phép số 1091/GP-UBND ngày 02/06/2014, thời hạn khai thác đến ngày 28/6/2031, trữ lượng khai thác 136.256 tấn, công suất khai thác 8.500 tấn/năm. Phương thức khai thác của doanh nghiệp là hầm lò với diện tích khu vực khai thác 59ha, thuộc địa phận xã Minh Tiến và Na Mao (Đại Từ).
>>> Mời độc giả xem thêm video Phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc: