Độc quyền sách giáo khoa là đi ngược lại xu hướng quốc tế
Chiều 31/3, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đã góp ý về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.
|
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) góp ý về sách giáo khoa. Ảnh: QH. |
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết, tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nhận được Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”.
Báo cáo đã đánh giá một cách khách quan, công bằng những thành công của việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thực tế triển khai, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân cả nước vào công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời nêu lên những kiến nghị xác đáng, có tính hệ thống với Chính phủ để đổi mới đạt kết quả tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Thanh không tán thành về việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK theo Nghị quyết 88 bởi 3 lý do sau:
Về cơ sở pháp lý, việc này không phù hợp với Nghị quyết 122/2020 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019, cả 2 văn bản nói trên đã điều chỉnh quy định Nghị quyết 88 về việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK.
Về cơ sở thực tiễn, việc này không phù hợp với thực tế chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK đã đạt được những kết quả và đang triển khai thuận lợi.
“Về hậu quả, việc này dẫn đến không cho phép xã hội hóa, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hóa, đi ngược lại xu hướng của quốc tế. Tôi tin rằng nếu Đoàn giám sát có đầy đủ thông tin về chính sách SGK của các nước trên thế giới thì có thể không nêu lên kiến nghị này”, ông Thanh cho hay.
Vẫn cần có bộ sách do Bộ Bộ GD&ĐT biên soạn
Giơ biển tranh với đại biểu Nguyễn Duy Thanh liên quan tới kết quả giám sát của Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết 88, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, xã hội hóa SGK là một trong những điểm nhấn và cũng là một trong những thành công lớn của chúng ta khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: QH. |
Trong báo cáo ở trang 39, 40 Đoàn giám sát đánh giá rất cao, ghi nhận về những kết quả của quá trình xã hội hóa biên soạn SGK với sự tham gia của 5 bộ sách lớp 1 và 3 bộ sách bắt đầu từ lớp 2, cho đến thời điểm này đang tồn tại 3 bộ sách.
Có 1.574 tác giả đã tham gia viết sách, cho thấy đã huy động được một lực lượng rất lớn các nhà khoa học, các nhà giáo tham gia để có thể xây dựng ra những cuốn SGK có chất lượng. Chúng ta cũng ghi nhận việc thành công trong xã hội hóa SGK là cần thiết.
Tuy nhiên, câu hỏi thứ ba mà đại biểu nêu ra chính là vấn đề Bộ GD&ĐT có nên làm một bộ sách hay không? Như vậy có trái với Nghị quyết 122 của Quốc hội hay không?
Trao đổi với đại biểu Thanh, bà Hoa cho biết, Nghị quyết 88 là nghị quyết gốc và yêu cầu Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK. Tuy nhiên, đến năm 2020 trong Kỳ họp thứ 9 do áp vào năm học mới triển khai lớp 1 chưa có bộ sách của Bộ GD&ĐT thì chúng ta cho phép khi có một SGK cho một môn bằng xã hội hóa không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, qua giám sát Đoàn giám sát nhận thấy rằng vẫn rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc xây dựng những nội dung, chương trình, SGK.
“Đối với việc Bộ GD&ĐT không biên soạn một bộ SGK, không phải chúng ta không tin tưởng vào những SGK xã hội hóa. Tuy nhiên, cần phải có một bộ SGK để chúng ta hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống. Khi cần thiết chúng ta vẫn có thể đảm bảo được đến đầu năm học mới có SGK và trách nhiệm của Nhà nước đối với việc biên soạn SGK.
Chúng tôi nghĩ rằng việc Đoàn giám sát đưa vào trong kiến nghị đề xuất Chính phủ và Bộ GD&ĐT sẽ trình ra Quốc hội để triển khai thực hiện nội dung liên quan tới việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK là điều trong báo cáo cũng thể hiện rất rõ, trong nghị quyết của Đoàn giám sát cũng rất rõ. Rất mong đại biểu Thanh và các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thêm”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa về việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn SGK, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho rằng, thời điểm này không nên giao cho Bộ GD&DT biên soạn bộ SGK mà nên tập trung nghiên cứu, lựa chọn 1 bộ SGK và sử dụng có hiệu quả.
Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, việc biên soạn bộ SGK mới tại thời điểm này là không thực sự cấp thiết mà trên cơ sở các bộ SGK hiện tại để lựa chọn bộ sách phù hợp với năng lực và năng lực giảng dạy của giáo viên, đồng thời phù hợp với năng lực học tập cũng như mặt bằng của học sinh tại từng địa phương.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng cho rằng, cần giao cho chính những chủ thể này quyền được lựa chọn bộ SGK phù hợp với môn học và tình hình thực tiễn tại cơ sở giáo dục của mình. Việc Bộ GD&ĐT tổ chức chủ trì biên soạn SGK chỉ nên được thực hiện, sau khi được tổng kết, đánh giá chất lượng, hiệu quả của việc đổi mới, việc triển khai thực hiện các bộ SGK hiện tại, một cách khoa học, toàn diện, khách quan.
“Quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng phải giữ được sự tin tưởng, sự đồng lòng và sự vào cuộc của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội để đảm bảo chất lượng giáo dục. Và từ đó, tôi nghĩ rằng giảm thiểu được sự bất an ở trong gia đình, trong nhà trường cũng như là trong xã hội và cũng giảm được sự lãng phí về mặt nguồn lực của xã hội để có thể biên soạn thêm 1 bộ SGK nữa”, đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6 với PV Tri thức và Cuộc sống về nguy cơ nếu giao cho Bộ GD&ĐT thực hiện thêm bộ sách giáo khoa. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.