Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều nay 24/10, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Các đại biểu đã cho trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về nội dung này.
Đánh giá công tâm, khách quan, tín nhiệm không vì "yêu", "ghét"
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Đoàn TP HCM) chia sẻ, với tư cách là một đại biểu Quốc hội, ông kỳ vọng các đại biểu khi lấy phiếu tín nhiệm phải cân nhắc, nghiên cứu cho kỹ. Giống như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu trong phiên khai mạc, thực sự công tâm, khách quan, và có cái nhìn đa chiều. Việc đánh giá không phụ thuộc vào thương hay ghét, mà hiệu quả công việc phải đặt lên hàng đầu.
|
Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Đoàn TPHCM) sáng 24/10. |
Tuy nhiên, khi đánh giá về hiệu quả công việc, không nhìn theo chiều hướng phiến diện, thấy hiệu quả không cao như mình mong muốn thì đánh giá thấp, điều này là không nên. Mà phải nhìn trong bối cảnh chung, chẳng hạn tình hình thế giới, trong nước, rồi sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế ra sao… thì mới có đánh giá đa chiều được. Chứ không phải thấy hiệu quả thấp quá liền đánh giá thấp thì chưa toàn diện.
Cho nên, phải có cái nhìn công tâm, khách quan cả quá trình công tác chứ không phải chỉ trong một thời điểm nào đó.
Ông Thức cho hay, nếu việc đánh giá không công tâm, khách quan thì sẽ có tác động hai mặt đối với người được lấy phiếu tích cực.
Về mặt tích cực, người được lấy phiếu sẽ tự nhìn lại mình, tự soi. Nhưng mặt tiêu cực, khi không được đánh giá đúng với công sức, thành quả đạt được, không phải với cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm, mà với cả một bộ ngành sẽ làm người được lấy phiếu buồn, từ đó, có thể khiến chùn bước trong công tác.
“Bởi đã cố gắng rất nhiều mà các đại biểu, xã hội không đánh giá đúng công sức của mình thì sẽ mất đi sự tự tin, nhiệt huyết. Cho nên, tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm kỳ này rất quan trọng và tất cả đại biểu nên đặt trách nhiệm rất lớn khi ghi vào phiếu đánh giá cho bất kỳ một cá nhân nào. Cũng không nên mang tâm lý đánh giá cho xong”, ông Thức nói.
Để bỏ phiếu tín nhiệm chính xác, thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm cũng rất quan trọng. Ông Thức cho biết, việc cung cấp thông tin về những người được lấy phiếu tín nhiệm cho các đại biểu cho đến thời điểm đã rất đầy đủ. Văn phòng Quốc hội cũng sẵn sàng cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu.
Cần thước đo để đánh giá người được lấy phiếu tín nhiệm
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho hay, ở các nước, với những người được lấy phiếu tín nhiệm phải có cam kết chính trị ban đầu, hay nói cách khác là phải có một khế ước giữa người được cơ quan quyền lực nhà nước giao trách nhiệm, giao nhiệm vụ và cam kết khi nhận nhiệm vụ thì mới có căn cứ để đánh giá.
|
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội sáng 24/10. |
Hiện nay, với chúng ta rất khó bởi chỉ có những chức danh chủ chốt như Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là có phát biểu nhậm chức. Còn những chức danh khác không có phát biểu này và cũng không có cam kết thực hiện nhiệm vụ khi bầu và phê chuẩn. Vì vậy, các đại biểu chỉ nhìn vào thực tiễn, xem người được lấy phiếu tín nhiệm làm được gì để đánh giá.
Việc lấy phiếu tín nhiệm vào giữa nhiệm kỳ là thời gian không ngắn cũng không dài, nhưng có thể các đại biểu Quốc hội theo dõi được lộ trình giải quyết công việc theo chức năng, quyền hạn của những người chịu sự giám sát của Quốc hội mới có thể đánh giá được. Tuy nhiên, thông tin quản lý rất phong phú, đa dạng, nên phải có kiểm điểm, nhưng lại gặp trở ngại là lấy căn cứ nào làm so sánh? Vì từ đầu nhiệm kỳ, những người được lấy phiếu tín nhiệm không có bản cam kết nào. Cho nên, kể cả có bản kiểm điểm thì các đại biểu cũng khó lường định, đong đếm được.
“Vì phải có thước đo. Chẳng hạn, với một ông bộ trưởng khi nhận nhiệm vụ, cho dù không có cam kết trước Quốc hội, nhưng cũng cần có một bản chương trình hành động. Theo đó, trong nhiệm kỳ sẽ làm gì, giữa nhiệm kỳ làm gì, và phân kỳ tiếp theo, trong 6 tháng làm gì… thì mới có thể đong đếm được. Cho nên, hiện nay, chúng ta mới đang thực hiện các quy định, chứ chưa phải đổi mới. Nếu đổi mới thì phải có cơ sở, căn cứ để các đại biểu Quốc hội dựa vào đó để đánh giá. Đây là những điều tôi cho rằng sau này chúng ta phải nghiên cứu”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nói về việc lấy phiếu tín nhiệm:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.