Đại án Phạm Công Danh: 4.500 tỷ VNCB tăng vốn bất thành đang ở đâu?

Google News

Số phận khoản tiền 4.500 tỷ mà Phạm Công Danh vay BIDV thông qua 12 công ty "ma" nhằm tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đến nay vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Sáng 15/1, phiên xử đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh tiếp tục ngày xét xử thứ 7, xoay quanh gói 4.700 tỷ VNCB vay từ BIDV. Bị cáo Phạm Công Danh đã “xoay xở” số tiền này để nhằm tăng vốn cho VNCB theo sự thúc ép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, "số phận" của khoản tiền 4.500 tỷ này như thế nào vẫn chưa được làm rõ.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang thẩm vấn đại diện Ngân hàng Xây dựng (trước là VNCB, sau khi NHNN mua lại với gia 0 đồng và đổi tên thành CB) về số tiền 4.700 tỷ đồng Phạm Công Danh vay thông qua 12 công ty “ma”.
Đại diện CB trả lời số tiền đó đã hòa vào dòng tiền chung để sử dụng, không bóc tách ra được. Phía CB cũng cho biết tính đến trước ngày 5/3/2015, tổng số tiền còn lại trên tổng số 13.000 tỷ tại CB là hơn 6.000 tỷ đồng.
“6.000 tỷ đó có bao gồm 4.500 tỷ không?”, chủ tọa chất vấn. “Bao gồm nhiều nguồn tiền, không xác định được”, đại diện CB trả lời. Luật sư cũng nêu ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến đường đi của số tiền 4.500 tỷ nhưng đại diện CB từ chối trả lời hoặc ấp úng nói không nắm rõ.
 HĐXX do ông Phạm Lương Toản làm chủ tọa.
Chủ tọa đề nghị đại diện CB chuẩn bị tất cả các tài liệu liên quan đến số tiền 4.500 tỷ Phạm Công Danh đã chuyển về để tăng vốn điều lệ, nguồn tiền tại CB từ 26/7/2014 đến 5/3/2015 còn lại bao nhiêu, để làm rõ tất cả câu hỏi của luật sư Huyền Trang và luật sư Phan Trung Hoài trước đó.
Theo chủ toạ, đây là lần cuối cùng HĐXX yêu cầu CB trả lời để HĐXX có kế hoạch điều hành phiên toà. Đại diện CB “hẹn” chiều 16/1 sẽ có câu trả lời.
Luật sư Trần Minh Hải tiếp tục thẩm vấn CB về việc tại thời điểm VNCB được NHNN mua lại với giá 0 đồng thì vốn điều lệ của Ngân hàng Xây dựng là 3.000 tỷ hay 7.500 tỷ. CB cho rằng tại thời điểm đó, NHNN xác định vốn điều lệ ở VNCB là âm.
Tuy nhiên, luật sư Hải viện dẫn kết luận điều tra, cho thấy vốn điều lệ được xác định là 3.000 tỷ. “Sau khi NHNN không cho tăng vốn, 4.500 tỷ không được coi là vốn điều lệ nhưng CB cũng không trả lại cho 22 người nộp tiền vì CB cho rằng đó là tiền trước khi NHNN mua lại?”, luật sư Hải đặt câu hỏi. “Đó là quan điểm của luật sư, không phải quan điểm của CB. CB vẫn đang xin ý kiến của NHNN”, đại diện CB nói.
Sau khi nghe thẩm vấn, chủ tọa cho rằng 4.500 tỷ do Phạm Công Danh chuyển vào để tăng vốn điều lệ nhưng việc hạch toán khoản tiền này CB vẫn chưa làm rõ. Một lần nữa, HĐXX đề nghị CB cần chuẩn bị tất cả tài liệu liên quan vấn đề này để làm rõ khúc mắc.
“Theo thẩm vấn cho thấy 4.500 tỷ vẫn nằm tại Ngân hàng CB. Đề nghị HĐXX xem xét trừ vào khoàn thiệt hại 6.127 tỷ của giai đoạn này”, luật sư Trần Minh Hải nhấn mạnh trước khi kết thúc phần thẩm vấn.
 Bị cáo Trầm Bê.
Trong phiên xử ngày 13/1 trước đó, luật sư Hà Hải cho rằng 4.500 tỷ dùng để tăng vốn điều lệ nhưng không thực hiện được thì trách nhiệm chứng minh nó thuộc về CB chứ không phải thuộc về VNCB. Do vậy, theo luật sư, CB phải có trách nhiệm hoàn trả 4.500 tỷ đồng cho ông Phạm Công Danh.
Trong phần thẩm vấn của luật sư Nguyễn Thị Thanh Tâm và bị cáo Phan Thành Mai, Mai cho rằng quan điểm 4.500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền, không thể hoạch toán được là không chính xác. Số tiền 4.500 tỷ có mất đi nhưng là sử dụng vào các mục đích, khoản thu chi của ngân hàng.
“Tại thời điểm khởi tố vụ án, bị cáo nhớ mình sử dụng tiền chủ yếu từ thị trường 1. Còn 4.500 tỷ hòa chung đó thì bị cáo gửi cho Liên ngân hàng để lấy lãi”, Mai nói.
Ở các ngày xử trước đó, bị cáo Phạm Công Danh khai rằng khi vay 4.700 tỷ từ BIDV, ông Danh đã chuyển 4.000 tỷ từ BIDV và 500 tỷ từ gói vay TPBank về Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau đó NHNN đã có văn bản không chấp nhận việc tăng vốn và số tiền này đã đi đâu vẫn chưa được làm rõ.
Theo Hoài Thanh-Hà Hương/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)