Cựu Tổng giám đốc mang án tử nói gì trong phiên xử Đinh La Thăng?

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh được cách ly phần xét hỏi nhưng phiên tòa vẫn nóng với lời khai của Nguyễn Xuân Sơn – người bị tuyên án tử ở đại án OceanBank.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong đại án xảy ra tại PVN và PVC diễn ra chiều 8/1, dù trong phần xét hỏi, bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh được cách ly nhưng phiên tòa vẫn rất “nóng” với phần đối chất nảy lửa từ các thuộc cấp ông Đinh La Thăng. Đáng chú ý trong các bị cáo là phần trả lời xét hỏi của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên TGĐ Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), người từng bị tuyên án tử hình trong đại án OceanBank ngày 29/9/2017 vừa qua.
Nguyên TGĐ mang án tử nói gì trong phiên xử Đinh La Thăng?
Trả lời HĐXX liên quan đến hợp đồng 33, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - khai rằng, thời gian đó bị cáo mới về PVN nên toàn bộ chuẩn việc bị dự án, ký kết hợp đồng, chuyển giao hợp đồng bị cáo không được tham gia, không được theo dõi. Còn khi hợp đồng được chuyển đổi về PVN, quá trình triển khai hợp đồng đều được HĐQT họp. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thực hiện theo cơ chế đặc thù, cần đẩy nhanh tiến độ, cần phải tạm ứng cho nhà thầu đủ số tiền tạm ứng.
“Việc chỉ đạo chuyển tiền cho tổng thầu PVC là theo chức trách nhiệm vụ của ban quản lý đã được Tập đoàn phân công theo quy chế của tập đoàn. Tại thời điểm đó bị cáo có nhận thức được Hợp đồng 33 không đủ điều kiện để thực hiện. Bị cáo thấy mình có trách nhiệm trong việc quản lý tài chính của Tập đoàn. Tập đoàn có quy chế quản lý giám sát rất rõ. Quá trình thực hiện bị cáo có văn bản 4522 ngày 22/5 đề xuất thực hiện việc tạm ứng cho nhà thầu theo đúng mục đích, kiểm tra để tránh thất thoát, ảnh hưởng đến tài chính của dự án”, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói.
 Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (giữa ảnh) tại tòa. Ảnh: Zing.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trình bày về việc chuyển tiền có 2 quy trình. Theo đó, có 2 quyết định nhưng tiền chuyển 4 lần, bị cáo nghĩ hợp đồng thực hiện theo quy chế hoàn chỉnh. Việc chuyển tiền của bị cáo từ từ tài khoản này ra tài khoản kia của tập đoàn không phải chuyển ra ngoài tập đoàn.
Nói về hợp đồng 33, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết, bị cáo không nghĩ hợp đồng 33 không đủ điều kiện để thực hiện. Chỉ đạo của Chính phủ về việc chỉ định thầu và các bước bị cáo đều nghĩ đã tuân thủ quy định pháp luật, nên bị cáo không kiểm tra.
Khi trả lời HĐXX về vai trò của bị cáo Đinh La Thăng tại PVN, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, đơn vị nào cũng thế, người đứng đầu có yếu tố quyết định tất cả các công việc, nhất là đối với đơn vị kinh doanh, lãnh đạo đã quyết là làm, chứ không có chuyện bàn đi bàn lại thế này thế kia.
“Cách chỉ đạo của Đinh La Thăng như mệnh lệnh. Nếu bị cáo nhận thấy hợp đồng có vấn đề thì chắc chắn bị cáo không thực hiện”, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho biết.
Màn đối chất, phản bác nảy lửa của các bị cáo tại phiên tòa
Tại phiên tòa trên, khi bị cáo Vũ Hồng Chương - nguyên trưởng ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khẳng định đã phát hiện ra hợp đồng 33 sai và báo cáo phó tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực nhưng bị cáo Thực phủ nhận. Bị cáo Phùng Đình Thực khẳng định chính bị cáo này đã cảnh cáo và gửi báo cáo về việc vi phạm pháp luật của hợp đồng 33. Việc này khiến tòa phải cho đối chất.
Tại phiên tòa trên, bị cáo Vũ Hồng Chương cho rằng, thời điểm đó, bị cáo nghe hợp đồng đó chưa đủ điều kiện thực hiện. Ban quản lý dự án là cầu nối giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
“Ở thời điểm chuyển giao chủ đầu tư, bị cáo biết, hợp đồng có vấn đề lớn. Để tránh rủi ro cho chủ đầu tư, bị cáo đã ba lần gửi công văn báo cáo rõ tình trạng hợp đồng 33 đề nghị Tập đoàn xem xét, có ý kiến nhưng không ai trả lời. Bị cáo gửi một báo cáo cho PVPower và có chuyển PVN để báo cáo, có hai công văn bị cáo gửi trực tiếp cho Ban TGĐ và HĐTV PVN”, bị cáo Vũ Hồng Chương nói.
Theo bị cáo Vũ Hồng Chương, sau khi chuyển tiền đợt đầu tiên cho Ban quản lý dự án, Tập đoàn PVN có gửi một công văn hỏa tốc đề nghị Ban quản lý dự án chuyển ngay tiền cho PVC trong ngày (do ông Nguyễn Xuân Sơn ký, đóng dấu hỏa tốc).
Được tòa án hỏi về việc này, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, có công văn ông Chương gửi lên bị cáo.
“Khi đọc các công văn đó, bị cáo thấy việc đàm phán tỷ lệ tạm ứng chưa đi đến thống nhất. Bị cáo thấy Tập đoàn đã có ý kiến chỉ đạo việc chuyển tiền theo hợp đồng nên bị cáo chuyển tiền. Sau đó, bị cáo có công văn hướng dẫn rõ việc kiểm tra, giám sát”, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho hay.
Theo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, việc ký công văn hỏa tốc này thực hiện theo Chủ tịch Tập đoàn là phải thực hiện nay. Vì vậy, bị cáo mới cấp tiền cho Ban quản lý và yêu cầu chuyển tiền ngay cho PVC để khỏi lệch nhau về tỉ giá.
Bị cáo Vũ Hồng Chương cũng cho rằng, bản thân chịu sức ép từ lãnh đạo Tập đoàn. Sau đó, lại nhận được công văn yêu cầu phải chuyển tiền trong ngày.
Nói về việc hai công văn gửi trực tiếp PVN, bị cáo Vũ Hồng Chương cho rằng, đã làm hết trách nhiệm của mình nhưng cũng không thể làm trái được lãnh đạo Tập đoàn mà theo bị cáo Chương cho biết khi thẩm phán hỏi: “Cụ thể là anh Đinh La Thăng.
Ký xong hợp đồng 33 mới thấy không đủ cơ sở pháp lý?
Tại phiên xét xử, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên chủ tịch HĐTV PVN, cho biết thời điểm xảy ra những sai phạm trong vụ án ông được giao nhiệm vụ phó TGĐ Tập Đoàn phụ trách mảng tài chính kế toán của dự án.
Với dự án NMNĐ Thái Bình 2, HĐTV có Nghị quyết do ông Đinh La Thăng, trong đó, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, lựa chọn và giao HĐTV PVPower là chủ đầu tư. Nhiệm vụ của bị cáo Khánh là đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp đồng.
Theo bị cáo Khánh, hợp đồng 33 là PVPower ký với PVC, khi ký xong mới thấy không đủ cơ sở pháp lý, thủ tục, chưa được HĐTV PVPower phê duyệt, nội dung hợp đồng sơ sài có 8 trang, 10 điều và thiếu nhiều điều khoản chi tiết thực hiện, không có những điều khoản liên quan tới thanh toán, tạm ứng, hợp đồng này không có cơ sở để thực hiện và không có cơ sở để tạm ứng tiền.
Do PVPower chưa xin được tạm ứng vốn điều lệ nên chuyển đổi hợp đồng, chuyển chủ đầu tư về cho PVN. Hợp đồng 33 sau đó được ký lại thành hợp đồng 4194 nhưng cũng vẫn chưa đủ điều kiện.
Theo bị cáo Khánh, sau khi PVPower ký, lúc đầu báo cáo có đủ nhưng sau đó anh Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp yêu cầu rà soát kỹ lại hợp đồng này là do chủ đầu tư đã chuyển về PVN nên bắt buộc phải chuyển đổi. Mục đích chuyển đổi vì Hợp đồng 33 còn thiếu nên phải chuyển đổi mục đích. Buổi chủ trì rà soát lại Hợp đồng 33 gồm ông Đinh La Thăng chủ trì và có chỉ đạo rà soát lại để ký hợp đồng với PVC thì trên tinh thần đó bị cáo rà soát lại. Trả lời tòa về việc ai là người chỉ đạo chuyển đổi hợp đồng về PVN?, bị cáo Khánh cho rằng, có văn bản ủy quyền của Chủ tịch PVN.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)