Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị ung thư: Có phải “án tử”?

Google News

Giữa tháng 7/2020, khi đưa tin khởi tố bị can để điều tra đối với ông Vũ Huy Hoàng (cựu bộ trưởng Bộ Công Thương), nhiều báo, đài cho biết kết luận điều tra ghi nhận ông Hoàng bị ung thư tuyến tiền liệt. 

Mạng xã hội sau đó đã xuất hiện đồn đoán sức khỏe của cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cùng cảnh báo mối nguy từ căn bệnh này, trong đó có nhiều thông tin y khoa sai lệch. Để bạn đọc hiểu đúng về ung thư tuyến tiền liệt, Người Đô Thị giới thiệu bài viết chuyên môn của PGS-TS-BS. Nguyễn Tuấn Vinh (Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học TP.HCM; Trưởng khoa Niệu B, Bệnh viện Bình Dân).
Ung thư là một bệnh hiểm nghèo, vừa nguy hiểm có thể gây chết người, vừa có thể khiến bệnh nhân nghèo vì tốn nhiều tiền của để điều trị. Ung thư tuyến tiền liệt cũng vậy.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm, ung thư tuyến tiền liệt là ung thư đáp ứng điều trị tốt. Do đó, những hiểu biết về dấu hiệu cảnh báo, cách thức điều trị và phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt luôn là những vấn đề chúng ta cần quan tâm để bảo vệ sức khỏe và “biết sớm trị lành”.
Không phải mọi phì đại đều là ung thư
Ung thư tuyến tiền liệt là do sự sinh sôi quá mức của các tế bào tuyến tiền liệt. Tuy nhiên không phải cứ sinh sôi quá mức tuyến tiền liệt là ung thư. Trong tuyến tiền liệt có thể xuất hiện đồng thời ung thư tuyến tiền liệt lẫn phì đại lành tính tuyến tiền liệt và đây là hai loại bệnh lý riêng biệt, không như một số người lo ngại phì đại tuyến tiền liệt để lâu sẽ thành ung thư.
Ung thư là tình trạng một nhóm tế bào sinh sản không kiểm soát gây ảnh hưởng đến hoạt động các tế bào chung quanh và lan tràn ra các cơ quan khác trong cơ thể (hiện tượng di căn). Ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu nào gợi ý rõ ràng và đa số các dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể gặp ở các bệnh lý khác.
Tuy nhiên ta có thể ghi nhận một số dấu hiệu sau: tiểu khó, tiểu lắt nhắt; nước tiểu có máu nhưng thường lượng máu rất ít, mắt thường khó phát hiện được mà phải nhờ đến xét nghiệm (tiểu máu vi thế); tuyến tiền liệt to hơn bình thường và có thể sờ thấy một nhân cứng, để biết cần phải cho tay vào hậu môn khám; khi bệnh tiến triển nặng có thể gặp các triệu chứng như: rối loạn cương (bệnh nhân có thể không cương được hay không giữ được tình trạng cương đủ lâu), phù hai bàn chân, tiểu không tự chủ hay bí tiểu, đau nhức xương hay có thể bị gãy xương khi gặp chấn thương nhẹ…
Làm sao phát hiện sớm ung thư?
“Các dấu hiệu ung thư thư tuyến tiền liệt không rõ ràng, vậy làm thế nào để phát hiện sớm?” là câu hỏi được rất nhiều người thường nêu ra với bác sĩ. Để chẩn đoán bệnh này cần phải lưu ý:
Khám tầm soát ung thư tuyến tiền liệt hàng năm ở nam giới trên 50 tuổi. Nếu gia đình có cha, anh ruột bị ung thư tuyến tiền liệt thì nên khám tuyến tiền liệt thường niên từ tuổi 40.
Thăm khám hậu môn, trực tràng: bác sĩ có kinh nghiệm có thể phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ của ung thư tuyến tiền liệt.
Sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn của siêu âm qua ngả trực tràng: Bác sĩ dùng kim lấy một mẫu mô nhỏ ở vùng nghi ngờ và nhiều mẫu mô rải rác khắp các vùng của tuyến tiền liệt. Đa số sẽ lấy từ 12 mẫu trở lên để có độ chính xác cao.
Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể cho xét nghiệm PSA (Prostate Specific Antige - kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt), kết quả PSA càng cao càng nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt.
Các xét nghiệm khác có thể cần thực hiện như: Xạ hình xương là phương pháp khảo sát xem ung thư tuyến tiền liệt có khả năng di căn xương hay không; có thể phải chụp MRI (cộng hưởng từ) để khảo sát ung thư có lan ra khỏi vỏ bao tuyến tiền liệt, có hạch hay di căn xương, ngoài ra MRI còn giúp hỗ trợ sinh thiết chính xác hơn.
Điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Dưới đây là các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt đang được áp dụng, nhưng không nhất thiết mọi bệnh nhân đều áp dụng tất cả các phương pháp điều trị này. Nhằm cá nhân hóa điều trị để nâng cao hiệu quả điều trị, tùy vào từng ca bệnh, bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị cụ thể:
Phẫu thuật: Bệnh nhân được cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, hai túi tinh và có thể nạo hạch vùng chậu hai bên. Phương pháp này áp dụng nhằm điều trị triệt để ung thư khi ung thư khu trú trong tuyến tiền liệt là chủ yếu.
Điều trị nội tiết: Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư nhạy với nội tiết tố nam, nên nếu bằng cách nào cắt nguồn cung cấp nội tiết nam thì khối u sẽ ngừng phát triển. Khoa học đã ứng dụng đặc tính này trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng cách cắt hai tinh hoàn của bệnh nhân hay dùng các loại thuốc có tác dụng ức chế làm giảm nồng độ nội tiết nam, ngang bằng với phương pháp cắt hai tinh hoàn nhằm cắt nguồn cung cấp nội tiết tố nam…
Xạ trị: Chiếu tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư. Có thể chiếu xạ từ ngoài vào, gọi là xạ trị ngoài, hoặc cấy các hạt phóng xạ vào trong lòng tuyến tiền liệt gọi là xạ trị trong.
Hóa trị: Không bao giờ là phương pháp điều trị tận gốc đối với ung thư tuyến tiền liệt. Hóa trị chủ yếu điều trị khi ung thư không còn nhạy với điều trị nội tiết mà trong y khoa gọi là giai đoạn kháng cắt tinh hoàn. Hiện nay đối với ung thư có độ ác tính cao, các nghiên cứu cho phép điều trị nội tiết phối hợp với hóa trị sớm cho kết quả tốt hơn.
Các phương pháp mới khác: Miễn dịch, đồng vị phóng xạ, các loại thuốc mới cũng được nghiên cứu và ứng dụng điều trị ung thư tuyến tiền liệt, mang lại kết quả tốt hơn, kéo dài thời gian sống còn của bệnh nhân.
Khi mắc ung thư tuyến tiền liệt thì còn sống được bao lâu cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thật ra, ung thư tuyến tiền liệt đa số tiến triển chậm và người bệnh có thể sống nhiều năm, nhưng vì bệnh này có nhiều dạng diễn tiến thất thường nên muốn biết khả năng tiến triển của ung thư phải dựa vào nhiều yếu tố như: giai đoạn tiến triển của bệnh, loại tế bào ung thư ác tính nhiều hay ít…
Theo PGS-TS-BS. Nguyễn Tuấn Vinh/Người Đô Thị

>> xem thêm

Bình luận(0)