Cứ nợ nần, túng quẫn là cướp ngân hàng…ngăn chặn thế nào?

Google News

Vụ cướp ngân hàng tại Quảng Nam mới đây và nhiều vụ cướp ngân hàng thời gian qua cho thấy, đa số do các đối tượng nợ nần, túng quẫn. Biện pháp ngăn chặn thế nào?

Liên tiếp xảy ra cướp ngân hàng do nợ nần
Công an tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ hai đối tượng Trần Đông Lập (SN 1990, trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và Đặng Văn Được (SN 1999, trú tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Đây là hai nghi phạm thực hiện hành vi cướp tài sản tại chi nhánh ngân hàng Agribank tại xã Duy Hoà (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vào sáng ngày 19/1.
Cu no nan, tung quan la cuop ngan hang…ngan chan the nao?
Một trong hai đối tượng thực hiện vụ cướp chi nhánh ngân hàng Agribank tại Quảng Nam mới đây.
Khoảng hơn 10h ngày 19/1, hai đối tượng trên đi xe máy, đeo khẩu trang xông vào Phòng giao dịch Khu Tây thuộc ngân hàng Agribank huyện Duy Xuyên. Tại đây, một đối tượng khống chế nhân viên bảo vệ, đối tượng còn lại vào quầy giao dịch dùng súng (nghi súng giả) và dao Thái Lan đe dọa, buộc nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào túi xách do đối tượng chuẩn bị sẵn. Khi đối tượng nhận cọc tiền, một nhân viên ngân hàng bấm chuông báo động nên 2 đối tượng vứt lại túi xách, dao, số tiền rồi tẩu thoát, sau đó bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại huyện A Lưới.
Theo lời khai ban đầu, do do nợ nần, hai đối tượng đã bàn nhau đi cướp tài sản.
Trước đó, trong năm 2023 cũng đã xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng. Điển hình như vụ 3 đối tượng Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23 tuổi, Vĩnh Long), Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, Bến Tre) dùng súng uy hiếp, nhân viên, bảo vệ Phòng giao dịch Nhị Xuân, chi nhánh Sacombank Hóc Môn, TP HCM để cướp tài sản vào sáng 26/10/2023.
Vụ Nguyễn Tuấn Anh (28 tuổi, trú tại Nghệ An – Phó Giám đốc Chi nhánh Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu và làng nghề Phổ Hải, do làm ăn thua lỗ đã dùng dao khống chế nữ nhân viên phòng giao dịch Ngân hàng Agribank chi nhánh Cửa Lò vào chiều 14/11/2023; Nguyễn Mạnh Cường (SN 1998 trú tại Quế Sơn, Quảng Nam, chủ mưu) và Trần Văn Trí (SN 2001, trú tại Hòa Vang, Đà Nẵng) sử dụng dao và súng đe dọa nhân viên thực hiện vụ cướp tại Ngân hàng BIDV, Phòng giao dịch Ngũ Hành Sơn tại 169 Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) chiều 22/11/2023 và đâm tử vong một nhân viên bảo vệ.
Theo Bộ Công an, phần lớn các đối tượng gây ra các vụ cướp ngân hàng thường nợ nần, quẫn bách về tài chính, thiếu tiền tiêu xài cá nhân, ham mê cờ bạc muốn có một khoản tiền lớn nhưng thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định, làm ăn thua lỗ nên nảy sinh ý định phạm tội. Hầu hết các đối tượng phạm tội lần đầu, một số đối tượng có tiền án, tiền sự, ngáo đá, tham gia các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy…Bên cạnh đó, một số đối tượng có đặc điểm tâm lý lệch chuẩn, suy nghĩ bột phát, thậm chí thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sẵn sàng thực hiện hành vi cướp tài sản để thỏa mãn các nhu cầu tiêu xài cá nhân.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nhiều vụ cướp ngân hàng xảy ra, các đối tượng dù chuẩn bị kỹ lưỡng, thủ đoạn tinh vi nhưng không vụ cướp nào trót lọ, tuy nhiên nhiều đối tượng khác vẫn làm liều. Một trong những nguyên nhân vì khó khăn túng quẫn nợ nần, không ít đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi cướp ngân hàng.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, suy thoái kinh tế nên nhiều người mất việc làm, gặp khó khăn túng quẫn. Tuy nhiên không phải ai khó khăn, túng quẫn cũng nảy sinh suy nghĩ, ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Chỉ có những đối tượng ích kỷ, tham lam, ý thức coi thường pháp luật mới biến cái khó khăn của mình thành động cơ phạm tội, thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Một số đối tượng nợ nần do chơi bời, lô đề, cờ bạc đã tìm kiếm người cùng cảnh ngộ trên mạng xã hội, rủ nhau đi cướp ngân hàng…Các đối tượng thường thực hiện hành vi manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, người dân khi bắt giữ.
Ngăn chặn thế nào?
Theo luật sư Cường, để giảm thiểu những vụ án cướp ngân hàng, ngoài việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng gây án, cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đặc biệt là với những người trẻ.
Với các đối tượng lô đề cờ bạc, coi thường pháp luật, sẵn sàng sử dụng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của người khác, cần phải kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý, tránh trường hợp các đối tượng có cơ hội để thực hiện hành vi phạm tội. Đối với các hội nhóm tiêu cực trên không gian mạng, cần phải có giải pháp để đấu tranh, gỡ bỏ, xử lý những hành vi đưa thông tin trái phép, lập những hội nhóm tiêu cực trên không gian mạng để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm.
Để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cướp liên quan đến các ngân hàng, cơ sở kinh doanh, Bộ Công an đề nghị đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, trước hết các chủ cơ sở kinh doanh chủ động lắp đặt, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hệ thống camera, phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự, kiểm soát địa bàn…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu xây dựng phương án, giải pháp chiến lược tổng thể để phòng ngừa tội phạm ngân hàng; tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân viên và lực lượng bảo vệ của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng, cơ sở kinh doanh cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phòng vệ cho nhân viên và lực lượng bảo vệ sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, kỹ năng phát hiện, đánh giá các tình huống xử lý khi xảy ra để áp dụng các biện pháp phù hợp. Cung cấp số điện thoại, đường dây nóng, kết nối hệ thống cảnh báo, báo động sớm, kết nối tín cảnh báo khẩn cấp từ các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đến cơ quan Công an gần nhất.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát công tác phòng ngừa tội phạm tại các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng, phát hiện, khắc phục những hạn chế, thiếu sót để tội phạm liên quan đến ngân hàng không có điều kiện hoạt động. Kịp thời phối hợp với lực lượng Công an cơ sở để giải quyết, xử lý các tình huống đáng ngờ ngay từ sớm trước khi xảy ra các vụ án.
Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, quản lý đối tượng, nhất là các đối tượng “nguy cơ cao” gây án như quẫn bách tài chính, đang nợ nần, làm ăn thua lỗ, vay nặng lãi, thất nghiệp, tham gia tệ nạn xã hội, nghiện ma túy… gắn với đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để ngăn chặn nguồn vũ khí gây án; tổ chức tập huấn và diễn tập thực địa phương án về xử lý, giải quyết một số tình huống cấp bách, phức tạp khi xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự xã hội phù hợp với đặc điểm, quy mô, điều kiện tại từng địa phương.
>>> Mời độc giả xem thêm clip đối tượng cầm súng, roi điện cướp ngân hàng ở Đà Nẵng
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)