CSGT Phú Quốc không đeo thẻ, không có biển tên "bắt" người tham gia giao thông

Google News

(Kiến Thức) - Một chủ xe ô tô trong khi di chuyển trên đường thì bất ngờ bị một tổ CSGT Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) dừng xe, tuy nhiên chiến sĩ CSGT này lại không đeo bảng tên, không đeo thẻ và không chứng minh được lỗi vi phạm của chủ xe.

Theo phản ánh của anh T.H.A. (trú tại Hà Nội) tới Báo Kiến Thức, sáng 7/12, khi anh H.A. đang điều khiển xe di chuyển trên đường thuộc địa phận xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thì bị tổ CSGT ra hiệu lệnh dừng xe.
Anh H.A. chấp hành hiệu lệnh, đánh xe vào lề đường để làm việc với tổ CSGT. Tuy nhiên, khi xuống xe anh H.A. phát hiện những dấu hiệu bất thường từ cán bộ CSGT và tổ công tác công an Phú Quốc vừa ra hiệu lệnh dừng xe. Cụ thể, người CSGT ra hiệu lệnh dừng xe không đeo bảng hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh (thẻ xanh) trên ngực, ngực áo không có tên và số hiệu CAND... 
Mời quý độc giả xem clip không đeo thẻ, không có biển tên "bắt" người tham gia giao thông
 
"Sau khi tôi dừng xe, chuẩn bị làm việc với cán bộ CSGT vừa thổi phạt mình thì tôi phát hiện thấy nhiều chiến sĩ trong tổ công tác, đặc biệt là chiến sĩ CSGT thổi phạt mình không đeo phù hiệu trên người, không đeo thẻ... Nghi ngờ về tính hợp pháp của tổ công tác, tôi yêu cầu tổ công tác thông báo lỗi vi phạm và chứng minh lỗi vi phạm... thì vị CSGT không chứng minh được lỗi vi phạm.
Ngoài ra, khi tôi hỏi về việc tổ công tác có làm việc theo chuyên đề hay không thì viên CSGT không đeo thẻ, không có biển tên và số hiệu CAND cũng không đưa ra được" - anh H.A. nói. 
Anh H.A. cho biết thêm: "Tôi hoàn toàn hợp tác với viên CSGT thổi phạt mình và tổ công tác, tuy nhiên, tổ công tác có quá nhiều dấu hiệu bất thường, không có đủ các điều kiện theo quy định của Bộ Công an khi thi hành công vụ. Khi không chứng minh được lỗi vi phạm, không cung cấp chuyên đề thì 1 vị CS khác lại yêu cầu tôi đưa xe về trụ sở một cách rất vô lý." 
Theo như video anh H.A. phản ánh đến Báo Kiến Thức, nội dung phù hợp với những thông tin anh cung cấp. Trong clip, tại nơi diễn ra sự việc có sự xuất hiện của một số cựu chiến binh, những người này cũng không đồng tình với cách làm việc thiếu các điều kiện theo quy định của ngành Công an. 
Thậm chí, một cựu chiến binh có mặt tại đó còn chất vấn: "Các anh có phải là công an thật không? tại sao không đeo bảng tên khi làm nhiệm vụ...?"
CSGT Phu Quoc khong deo the, khong co bien ten
Hình ảnh được cắt từ clip.
Cũng theo nội dung clip, sau một hồi không chứng minh được lỗi của người vi phạm và đưa ra được các bằng chứng chứng minh tổ công tác đang thi hành công vụ đúng quy định, một người mặc cảnh phục đeo quân hàm đại úy ra nói với anh H.A. "thôi anh đi đi". 
Anh H.A trả lời: "Tôi luôn chấp hành luật pháp và sẵn sàng hợp tác với CSGT, với tổ công tác, các anh dừng xe tôi giờ thông báo cho tôi xem tôi vi phạm lỗi gì và chứng minh lỗi. Giờ các anh không thông báo lỗi, cũng không chứng minh, thích thổi thì thổi xong rồi lại bảo tôi đi đi là sao?"
Quá bức xúc với tổ công tác có nhiều dấu hiệu bất thường, anh H.A. phản ánh thông tin đến báo Kiến Thức. 
Để thông tin được khách quan, đa chiều, PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Công an tỉnh Kiên Giang qua số điện thoại cá nhân và nhắn tin, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được phản hồi.
CSGT phải đeo thẻ, biển tên, số hiệu CAND khi làm nhiệm vụ
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiệu lệnh dừng phương tiện. Theo Điều 13 Thông tư 65/2012/TT-BCA, CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện trong 5 trường hợp và thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện gồm:- Bằng tay, gậy chỉ huy giao thông;
- Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra;
- Đèn tín hiệu, biển báo hiệu, Barie hoặc rào chắn... Lưu ý, khi tiếp xúc với người vi phạm CSGT phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.
Kiểm tra giấy tờ và thông báo lỗi
Khi đã dừng phương tiện thì CSGT phải thực hiện kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy phạm pháp luật. Do đó, CSGT phát hiện hành vi vi phạm giao thông thì được dừng xe và thực hiện việc kiểm soát giấy tờ.
CSGT Phu Quoc khong deo the, khong co bien ten
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Điều 9, thông tư 65 quy định: Tuần tra, kiểm soát công khai
1. Phương thức tuần tra, kiểm soát công khai
a) Tuần tra, kiểm soát cơ động;
b) Kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông;
c) Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông.
2. Khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm, ngược lại khi kiểm soát tại một điểm được tuần tra, kiểm soát cơ động nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát. Việc kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông hoặc tại Trạm Cảnh sát giao thông phải có kế hoạch được Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên phê duyệt.
3. Khi tuần tra, kiểm soát công khai phải thực hiện các quy định dưới đây:
a) Sử dụng trang phục theo đúng quy định của Bộ Công an;
b) Sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi địa bàn được phân công;
c) Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
Như vậy, khi tuần tra công khai, cảnh sát giao thông phải sử dụng trang phục đúng quy định, có biển hiệu tên, chức danh và đảm bảo lễ tiết, tác phong khi giao tiếp với công dân theo quy định.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ CSGT Phú Quốc không đeo thẻ, không có biển tên "bắt" người tham gia giao thông.
Theo thông tư 45 của Bộ Công an có hiệu lực từ 1/1/2013, chỉ những CSGT mang bảng hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh (thẻ xanh) mới có quyền dừng các phương tiện đang lưu thông để xử lý. Ai không đeo bảng hiệu này mà ra tín hiệu dừng xe đều sai quy định của ngành. Những người được cấp thẻ phải có trình độ trung cấp cảnh sát trở lên và trải qua kỳ sát hạch.
Các lực lượng chức năng khác chỉ được xử lý ở lĩnh vực do mình phụ trách hoặc chỉ tham gia hỗ trợ CSGT làm nhiệm vụ trong một thời gian cần thiết khi có điều động. Quy định này ngăn chặn khả năng lạm quyền trong việc chặn xe trên đường.
Còn những chiến sĩ chưa được cấp thẻ, sẽ thực hiện theo điều 4 của Thông tư 28 trước đó, khi chốt trực và chỉ huy giao thông tại các ngã tư, nếu phát hiện vi phạm vẫn có quyền được dừng xe, nhưng việc xử lý vi phạm được giao cho cấp trên.
Hiện nay các tổ tuần tra kiểm soát khi lập chốt phải từ 3 người trở lên và kế hoạch sẽ được công khai nên người dân có thể nắm được các chốt CSGT có làm đúng nhiệm vụ như công khai hay không.
Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)