"Cò” rầm rộ bán đất trên giấy dự án KDC phía Tây Nam Sách: CĐT ra tối hậu thư

Google News

Dự án KDC mới phía Tây thị trấn Nam Sách đang trong giai đoạn thi công hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chủ đầu tư đủ khả năng tài chính không phải huy động vốn nhưng thời gian gần đây “cò” vẫn rầm rộ bán đất trên giấy dự án này.

Dự án khu dân cư mới phía Tây thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đang trong giai đoạn thi công hạ tầng kỹ thuật và hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng một số tổ chức, sàn giao dịch và một số cá nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tự ý rao bán, nhận tiền cọc, tiền chênh lệch các lô đất tại dự án này.
Dự án khu dân cư mới phía Tây thị trấn Nam Sách (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đang trong giai đoạn thi công hạ tầng kỹ thuật và hoàn thiện các thủ tục pháp lý. 
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Hoàng Xuân Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thanh, đại diện liên danh Công ty Hoàng Thanh-Công ty TNHH Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, doanh nghiệp đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án mà không phải huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào.
“Công ty đã nắm bắt được tình trạng một số tổ chức, sàn giao dịch bất động sản và một số cá nhân trên địa bàn tỉnh Hải Dương rao bán, nhận tiền cọc, tiền chênh lệch các lô đất tại dự án dù không được phép của chủ đầu tư. Do đó mới đây, liên danh nhà đầu tư đã có công văn cảnh báo, giao dịch, mua bán đất tại dự án khu dân cư mới phía tây thị trấn Nam Sách” – ông Hoàng Xuân Thanh cho biết.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thanh, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng này. Trước đó, vào năm 2019, Công an huyện Nam Sách đã bắt giữ một số đối tượng tự ý rao bán đất dự án, thu tiền chênh lệch.
“Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước đây, liên danh đã 2 lần gửi công văn đến các cơ quan chức năng huyện Nam Sách. Lần này, doanh nghiệp tiếp tục có công văn để cảnh báo người dân” – ông Thanh cho hay.
Chủ đầu tư gửi công văn cảnh báo tình trạng "cò" rao bán, thu tiền chênh trái phép tại dự án. 
Trong công văn “tối hậu thư” mới đây được liên danh nhà đầu tư dự án liên danh Công ty Hoàng Thanh-Công ty TNHH Tập đoàn Hưng Thịnh ban hành nêu rõ: “Các tổ chức, sàn giao dịch không được tự ý rao bán đất dự án khi chưa được sự đồng ý của chủ đầu tư. Đồng thời, khuyến cáo nhân dân tránh mắc bẫy lừa đảo của các sàn giao dịch làm thiệt hại về kinh tế, gây tâm lý hoang mang cho người dân dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Cũng theo nội dung công văn, doanh nghiệp đã báo cáo các cơ quan chức năng, nếu cá nhân, tổ chức nào tham gia vào việc mua bán, đặt cọc các lô đất thuộc dự án Khu dân cư mới phía Tây thị trấn Nam Sách, liên danh Công ty Hoàng Thanh-Công ty TNHH Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ hoàn toàn không chịu trách nhiệm.
Theo tìm hiểu, thời gian qua, một số văn phòng bất động sản ở khu vực dự án và TP Hải Dương tự nhận đã được chủ đầu tư cho phép nhận tiền cọc để đặt chỗ. Theo thỏa thuận của các "cò", mỗi ô đất, người mua phải đặt cọc 100 triệu đồng và nộp tiền chênh lệch 130 triệu đồng trong khi chưa biết giá bán của chủ đầu tư. Hoạt động mua bán đều được thực hiện trên tờ bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật hiện nay quy định rất chặt chẽ về điều kiện, thủ tục huy động vốn trong các dự án bất động sản và điều kiện để bán nhà, đất phân lô trong các dự án bất động sản.
Trong đó, những trường hợp vi phạm, gian dối trong hoạt động huy động vốn của chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự. Đặc biệt, với đối tượng không được chủ đầu tư ủy quyền mà lại huy động vốn trái phép, rất dễ có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ án mà các đối tượng đã rao bán đất nền trái phép khi dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điển hình có thể kể đến là vụ ở công ty Alibaba và một số doanh nghiệp có kiểu kinh doanh tương tự. Bản chất của vụ việc dạng này là doanh nghiệp này chưa được nhà nước cho phép đầu tư, chưa đủ điều kiện huy động vốn mà đã huy động vốn trái phép nên bị xử lý hình sự.
Với những đối tượng không phải là chủ đầu tư, không được chủ đầu tư ủy quyền huy động vốn hoặc được phép của chủ đầu tư để bán bất động sản mà vẫn rao bán, nhận tiền cọc, đây là hành vi gian dối, có thể chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư, khách hàng. Bởi vậy, trong trường hợp có đơn thư khiếu kiện, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản của các đối tượng môi giới trong các giao dịch này.
Luật sư Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật, chỉ có chủ sở hữu tài sản mới được quyền định đoạt tài sản, trong đó có quyền bán tài sản. Đối với bất động sản thì việc mua bán, chuyển nhượng không chỉ tuân thủ quy định của bộ luật dân sự mà còn phải theo quy định của Luật đất đai, luật Nhà ở, luật Đầu tư, luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo đó, người không phải là chủ sở hữu bất động sản, không được chủ sở hữu ủy quyền, không được phép thực hiện bất cứ giao dịch gì có liên quan đến dự án bất động sản đó.
Nếu người nào đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015. Với số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, người lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Luật sư Cường dẫn ví dụ về việc thời gian gần đây có không ít những dự án bất động sản vừa mới được phê duyệt, thậm chí có những dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã có tình trạng các đối tượng môi giới đã tung tin sai sự thật nhằm thổi giá đất, tạo ra các giao dịch giả tạo khiến nhiều người do thiếu thông tin đã đầu tư vào các dự án đó dẫn đến việc mất tài sản.
Bởi vậy, để phòng ngừa những trường hợp này, chính quyền địa phương cần phải công khai thông tin về quy hoạch, về dự án đồng thời nắm bắt tình hình, xử lý nghiêm minh các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, những đối tượng cò mồi làm lũng đoạn thị trường bất động sản.
Đối với những nhà đầu tư, những người dân nếu bị những đối tượng môi giới đưa ra thông tin sai sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản, có thể trình báo sự việc với cơ quan chức năng để dược xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Để giảm thiểu những vụ việc hàng chục, thậm chí hàng trăm người bị lừa đảo trong các dự án bất động sản, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương trong việc công khai thông tin về quy hoạch, thông tin về dự án và có những cảnh báo sớm cho người dân về tình trạng pháp lý của dự án.
Bên cạnh đó, những nhà đầu tư cần tỉnh táo phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đầu tư. Thủ tục đầu tư phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, luật kinh doanh bất động sản. Nếu người dân chưa nắm rõ được thông tin, thủ tục đầu tư, có thể liên hệ với những người hiểu biết pháp luật, các luật sư để được hướng dẫn. Đối với những đối tượng đưa ra thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản thì những người bị hại cần trình báo sớm để cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý.
“Chỉ có minh bạch thông tin về thị trường bất động sản, nhà đầu tư có hiểu biết, có kỹ năng, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, mới giải quyết được những vấn nạn về bong bóng bất động sản như thế này” – luật sư Cường nêu ý kiến.

Dự án khu dân cư mới phía tây thị trấn Nam Sách có tổng mức đầu tư là hơn 663 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là gần 500 tỷ. Chủ đầu tư góp 15% tổng số vốn, số còn lại do nhà đầu tư tự huy động. Dự án được triển khai trên khu đất rộng hơn 400.000m2. Sau khi hoàn thành sẽ có 1.252 lô nhà ở liền kề và 68 lô nhà vườn với quy mô hơn 5.200 người. Thời gian triển khai là 60 tháng.

>>> Mời độc giả xem thêm video Mở rộng điều tra vụ án lừa đảo tại Công ty Alibaba

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)