Liên quan đến vụ việc học sinh lớp 1 ở Hải Phòng đứng ở cổng trường giữa trưa nắng, dư luận quan tâm, việc cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Kim Lan, Trường Tiểu học Quang Trung (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đăng ảnh học sinh lên nhóm zalo để phê bình vì đi học sớm có phạm luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc đăng hình ảnh học sinh vào các hội nhóm để phê bình vì đi học sớm là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Cường phân tích, trong thời đại công nghệ số, thông tin, hình ảnh cá nhân là vấn đề cần được quan tâm, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là đối với hình ảnh, thông tin của trẻ em. Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự năm 2015, Luật an ninh mạng năm 2018, Luật trẻ em năm 2016 và tất cả các văn bản pháp luật có liên quan đều quy định rất rõ ràng về bảo vệ quyền bí mật đời tư cá nhân, đặc biệt là đối tượng là trẻ em.
|
Trường Tiểu học Quang Trung nơi xảy ra sự việc. |
Theo đó, mọi hành vi sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin cá nhân đều là những hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, việc sử dụng thông tin, hình ảnh của học sinh phải theo quy định của luật trẻ em, luật giáo dục, luật an ninh mạng và các văn bản pháp luật khác và phải có sự thống nhất giữa gia đình học sinh và nhà trường.
Ở góc độ khoa học, giáo dục, việc đưa tin về hình ảnh học sinh trong nhóm kín về những hoạt động tích cực, những tấm gương điển hình để động viên, khích lệ tinh thần của học sinh và phụ huynh là cần thiết.
Tuy nhiên với những thông tin, hình ảnh của các học sinh đưa lên hội nhóm để bình luận, phê bình sẽ gây tổn thương không chỉ đối với học sinh mà còn đối với các bậc phụ huynh.
Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, nhà trường còn không công khai điểm số đối với học sinh. Mỗi học sinh sẽ tự biết điểm riêng của mình, điểm số còn là bí mật. Đó là tôn trọng quyền riêng tư, không làm tổn thương đến các em. Bởi mỗi học sinh là một vũ trụ, có những sở trường, sở đoản khác nhau, không nên so sánh học sinh này với học sinh khác, đứa trẻ này với đứa trẻ khác ở góc độ giáo dục.
Tại Việt Nam, việc kỷ luật học sinh vẫn theo quy định tại thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT dù đây là văn bản rất lạc hậu nhưng hơn 30 năm qua không thay đổi. Những hình thức kỷ luật cũ không còn phù hợp, không đủ sức để giáo dục học sinh, hình thức kỷ luật cũng không khoa học.
Trong khi đó việc hiểu biết pháp luật của các thầy cô không phải ai cũng tốt, cũng hiểu sâu sắc, đặc biệt là về quyền trẻ em. Do đó, nếu tự tiện áp dụng các hình thức kỷ luật một cách tùy tiện dễ xâm hại đến quyền riêng tư của học sinh, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của học sinh, gây chấn động, tổn thương tâm lý nặng nề đến học sinh.
Thậm chí, không ít thầy cô giáo đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị buộc thôi việc bởi những hành vi tự ý thực hiện các hình thức kỷ luật ngoài luật. Bởi vậy, vấn đề sửa đổi, bổ sung quy định về các hình thức kỷ luật, thông tin, truyền thông trong lĩnh vực giáo dục là hết sức cần thiết.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Cường cho rằng, khi các quy định về quản lý học sinh, về thông tin, truyền thông, về việc sử dụng hình ảnh, thông tin nhân thân cá nhân của học sinh chưa có quy định riêng, phải tuân thủ các quy định của hiến pháp, bộ luật dân sự, luật an ninh mạng, luật trẻ em.
Cùng với đó, hình thức kỷ luật học sinh vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, việc sử dụng thông tin, hình ảnh của học sinh phải căn cứ vào quy định của pháp luật và trên cơ sở nội quy quy chế của nhà trường, có sự trao đổi bàn bạc thống nhất với các bậc phụ huynh.
Đồng thời, cần phải loại bỏ ngay các hình thức kỷ luật bằng cách bêu tên học sinh trước toàn trường hoặc đăng tải thông tin hình ảnh học sinh vi phạm vào các hội, nhóm hoặc đăng công khai lên mạng xã hội. Đó là những hành động phản giáo dục và vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Cường, những người vi phạm, gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe của học sinh và phụ huynh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc hậu quả xảy ra mà các giáo viên, phụ huynh, cán bộ giáo dục hoặc bất kỳ ai có hành vi sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của học sinh gây tổn thương đến các em và gia đình sẽ phải bị xử phạt hành chính, bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong xã hội văn minh danh dự, nhân phẩm của công dân ngày càng được tôn trọng. Khi trẻ em được tôn trọng và biết tôn trọng bản thân mình, mới có thể tôn trọng danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người khác.
“Thực tiễn quá trình nghiên cứu về tội phạm học, các giải pháp phòng ngừa tội phạm đã chỉ ra rằng các tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác phần lớn có nguồn gốc xuất phát từ ý thức thiếu tôn trọng bản thân mình và thiếu tôn trọng người khác. Khi giáo dục thay đổi, xã hội văn minh khi người ta biết tôn trọng bản thân mình phải biết tôn trọng người khác. Những hành vi vi phạm pháp luật ít xảy ra hơn, ít tội phạm hơn” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Trước đó, ngay khi mạng xã hội lan truyền thông tin về việc một phụ huynh học sinh Trường tiểu học Quang Trung, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, than phiền việc con mình bị đứng ngoài trời ở cổng trường giữa cái nắng chang chang và bị cô chụp ảnh phê bình vì đi học sớm, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp với nhà trường và các cơ quan chức năng.
Tại cuộc họp, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1 Lê Thị Kim Lan cho biết, ngày 18/5, nhà trường bắt đầu tổ chức lại việc học bán trú. Đầu buổi chiều cùng ngày, một số cháu đi học sớm và nô đùa bên ngoài làm ảnh hưởng đến các cháu đang ngủ bán trú trong lớp. Do đó, cô Lan đã bắt các cháu đứng ngay trên bục giảng để phê bình đã chụp ảnh gửi vào nhóm Zalo nhằm nhắc nhở phụ huynh đưa con đi học đúng giờ. Việc chụp ảnh này cô Lan thừa nhận mình đã làm sai và đã xin lỗi phụ huynh học sinh.
Còn sự việc cháu Thanh phải đứng ngoài trời nắng ngày 20/5, cô giáo Lan nói rằng không biết là con đứng ngoài cổng trường giữa trưa nắng và khẳng định không có chuyện đuổi con ra ngoài.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung Đào Thị Cẩm Ly cho biết, nhà trường đã nghiêm túc phê bình cô Lê Thị Kim Lan. Đồng thời, cô Lan đã nhận ra việc chụp ảnh phê bình các cháu đến sớm là không đúng và đã xin lỗi phụ huynh học sinh ngay trong sáng 21/5.
Theo kết luận của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng tại buổi làm việc với Trường Tiểu học Quang Trung, việc cháu Mai Tuấn Thiên Thanh đứng ở ngoài cổng trường vào thời điểm 13h15' ngày 20/5/2020 không phải do yêu cầu của Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, sau khi được phụ huynh đưa vào trong trường đã được Sao đỏ hướng dẫn vào lớp nhưng học sinh đã đi ra ngoài cổng trường đứng.
Đối với giáo viên Lê Thị Kim Lan, ông Nguyễn Văn Tùng cho rằng, cô giáo còn nóng vội trong việc phê bình học sinh đến học sớm và gửi hình ảnh lên nhóm Zalo của lớp, đã ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh; chưa lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh để có cách xử lý phù hợp đối với những trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; chưa kịp thời báo cáo với Ban Giám hiệu về các trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt phải đi học sớm để Nhà trường có biện pháp chỉ đạo khắc phục. Vì vậy đã để xảy ra sự việc đáng tiếc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến nhà trường, ngành Giáo dục và Đào tạo của thành phố.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung theo đúng quy định của pháp luật, sớm báo cáo Chủ tịch UBND thành phố kết quả thực hiện.
Tuy nhiên, sau khi ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng về vụ việc trên được đăng tải rộng rãi, dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
>>> Mời độc giả xem video Bị đứng cổng trường giữa trưa nắng vì… đi học sớm