Sở VH-TT-DL Hải Dương “thừa” phòng Thẩm định công trình
Thời gian qua, công tác bổ nhiệm cán bộ tại các Sở, ban, ngành tại Hải Dương thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi Sở LĐ-TB&XH Hải Dương có đến 44/46 biên chế làm lãnh đạo từ cấp phó phòng, ban trở lên, Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương cũng vượt 2 phó giám đốc theo quy định của Chính phủ.
Ngày 15/11, Ban Thường vụ tỉnh uỷ Hải Dương đã ban hành thông báo kết luận về số lượng cấp phó trưởng phòng ở các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và biện pháp khắc phục số lượng cấp phó trưởng phòng nhiều hơn quy định. Theo đó, toàn tỉnh Hải Dương hiện có 329 đơn vị cấp phòng trực thuộc các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh. Hầu hết số phòng có từ 1 - 2 cấp phó; có 47 phòng có 3 cấp phó; 9 phòng có từ 4 - 6 cấp phó. Trong đó, 5 phòng thuộc Sở LĐ-TB&XH có từ 4 - 5 phó trưởng phòng. Trong số 358 phòng trực thuộc cấp huyện, có 21 phòng chưa có cấp phó; 277 phòng có từ 1 - 2 cấp phó; 58 phòng có 3 cấp phó và 2 phòng có 4 cấp phó.
|
Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương. Ảnh Hải Ninh. |
Câu chuyện bổ nhiệm nhân sự chưa lắng xuống, mới đây, thông tin Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Hải Dương thừa hẳn một phòng chức năng, chuyên môn nghiệp vụ lại khiến dư luận xôn xao.
Hiện nay, Sở VH-TT-DL Hải Dương ngoài các phòng nghiệp vụ chuyên môn theo quy định vẫn còn phòng Thẩm định công trình, mà các quy định hiện hành đã bỏ phòng này từ khi thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV của Bộ VH-TT-DL và Bộ Nội vụ ban hành ngày 14/9/2015 có hiệu lực.
Cụ thể, trong thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV của Bộ VH-TT-DL và Bộ Nội vụ ban hành ngày 14/9/2015 về việc hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở VH-TT-DL thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, tại mục 2 điều 3 quy định về số lượng tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ gồm các phòng như Văn phòng; Thanh tra; phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Tổ chức Pháp chế; phòng Quản lý văn hóa; phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình; phòng Quản lý thế dục thể thao; phòng Quản lý du lịch; phòng Quản lý di sản văn hóa, phòng Nghệ thuật hoặc phòng thể thao thành tích cao hoặc phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (không nhất thiết phải có).
Trong thông báo số 382/TB-TU của Tỉnh ủy Hải Dương do Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, ông Vũ Văn Sơn ký, ban hành ngày 24/11/2016 nêu ý kiến của Ban thường vụ tỉnh ủy Hải Dương về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của Sở VH-TT-DL nêu rõ: “Về cơ cấu, biên chế của Sở VH-TT-DL cần bám sát thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV. Các tổ chức tham mưu, tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ của Sở gồm Văn phòng; Thanh tra; Phòng Kế hoạch Tài chính, phòng Tổ chức pháp chế; phòng Quản lý văn hóa; phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình; phòng Quản lý thể dục thể thao; phòng Quản lý du lịch; phòng Quản lý di sản văn hóa. Không thành lập phòng Thể thao thành tích cao trực thuộc Sở VHTTDL”.
Xét cả thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV và chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương thì đều không có phòng Thẩm định công trình như đang tồn tại ở Sở VH-TT-DL tỉnh Hải Dương.
Xem xét giải tán phòng Thẩm định công trình
Trao đổi với PV Kiến Thức, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hải Dương - cho biết, hiện nay trong các phòng chức năng chuyên môn của Sở có phòng Thẩm định công trình. Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận, trong thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV của Bộ VHTTDL và Bộ Nội vụ thì không có phòng Thẩm định công trình, Thường vụ tỉnh ủy cho ý kiến về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của Sở VHTTDL thì cũng không có phòng này.
Lý giải nguyên nhân Sở VH-TT-DL tỉnh Hải Dương lại có phòng Thẩm định công trình, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho biết: “Trước đây, theo các quy định cũ như Quyết định số 45/2008/QĐ-UBND năm 2008 của UBND tỉnh Hải Dương và các quy định khác thì có phòng Thẩm định công trình. Tuy nhiên, đến tháng 9/2015, Bộ VH-TT-DL và Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV thì lại không còn phòng Thẩm định công trình nữa. Sau khi nhận được thông tư liên tịch trên, Sở VH-TT-DL đã làm tờ trình sang Sở Nội vụ về việc trình sang UBND tỉnh Hải Dương xây dựng chức năng, nhiệm vụ mới cho Sở theo đúng thông tư liên tịch trên. Đến 5/2016, UBND tỉnh Hải Dương đã nghe và cho ý kiến về tờ trình của Sở Nội vụ vào ngày 7/6/2016. Ban cán sự UBND tỉnh Hải Dương có tờ trình sang Ban Thường vụ tỉnh ủy về việc chức năng nhiệm vụ của Sở VHTTDL. Tuy nhiên, phải cho đến 17/11/2016, Ban cán sự UBND tỉnh mới báo cáo được Tỉnh ủy. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là có mấy lần Ban Thường vụ tỉnh ủy có kế hoạch là nghe Ban cán sự UBND tỉnh báo cáo. Tỉnh cũng có ý kiến các Sở, Ban nghành khác đã có ban hành chức năng nhiệm vụ mới, riêng Sở VH-TT-DL thì chưa có vì vậy cứ để Sở báo cáo. Trước việc này tôi cũng đã có ý kiến rất nhiều lần về việc Thông tư của Bộ ra 10/2015 nhưng ở tỉnh do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chưa hoàn thành và e rằng sẽ hơi chậm”.
Bà Nga cũng cho biết: “Một trong những nguyên nhân chậm là do 6 tháng Sở chưa có Giám đốc, tôi mới chuyển sang đây vào 1/6/2016. Trước đó, ông Lương văn Cầu là giám đốc lại chuyển sang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh mất một thời gian dài không có giám đốc vì vậy nhiều công viêc cũng chưa đúng tiến độ. Vào 17/11/2016, Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe sau đó nhận được thông chỉ đạo của của Thường vụ tỉnh ủy vào ngày 24/11/2016. Theo đó, bây giờ không còn phòng Thẩm định công trình nữa”.
“Thời gian tới, tôi cũng phải kiện toàn lại tổ chức. Phòng nào không còn nữa sẽ giải tán theo tinh thần của thông tư và sắp xếp cho phù hợp”, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.
Nói về chức năng nhiệm vụ của phòng Thẩm định công trình, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho hay: “Năm 2006, Bộ VH-TT-DL có Chương trình mục tiêu quốc gia để trùng tu, tôn tạo các di tích vì vậy một năm tôn tạo tương đối nhiều. Bên cạnh đó, ngành Văn hóa việc có 14 đơn vị trực thuộc và có nhiều các di tích. Chức năng nhiệm vụ của Phòng thẩm định công trình đó là trong một năm việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng di tích trong ngành là rất lớn. Vì vậy, phòng Thẩm định công trình là chuyên phụ trách về viếc thẩm định các công trình đặc biệt là các di tích. Tuy nhiên vì sao Bộ VH-TT-DL lại không cho tồn tại phòng đó nữa là việc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc trung tu, tôn tạo đó đến năm 2015 là hết chính vì vậy không cần phòng Thẩm định này nữa”.
Nói về việc sắp xếp các trưởng, phó phòng và cán Thẩm định công trình sau khi phòng này giải tán, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho hay: “Trước đây, phòng Thẩm định công trình gồm có 4 người. Trong đó có 1 Trưởng phòng, 2 Phó phòng, 1 chuyên viên. Ngày 1/10/2016 tôi có điều chuyển một Phó phòng Thẩm định công trình sang làm Phó phòng kế hoạch tài chính vì trước khi thành lập phòng thẩm định đồng chí này cũng đang làm việc tại phòng tài chính. Khi giải tán phòng Thẩm định công trình, chúng tôi sẽ xem xét sắp xếp họ theo đúng chức năng chuyên môn một cách hợp lý. Nhưng cũng có cái khó như đồng chí Trưởng phòng Thẩm định công trình lại có chuyên môn về xây dựng. Nếu ghép vào phòng nào đó mà không đúng chuyên môn thì không được”.