Dự kiến hạ cánh sân bay Vân Ðồn
Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, chuyến bay “giải cứu” 219 lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước sẽ mang số hiệu VN06. Chuyến bay khởi hành từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào sáng 28/7, bay thẳng trong 12-13 giờ, hạ cánh và đón lao động Việt Nam tại sân bay Bata của Guinea Xích đạo. Sau đó, đầu giờ chiều 28/7 (giờ địa phương) chuyến bay sẽ cất cánh từ sân bay Bata về nước, dự kiến hạ cánh sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) vào trưa 29/7 (giờ Việt Nam).
|
Vietnam Airlines dự kiến sử dụng máy bay thân rộng A350 để đón 219 lao động Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước. |
Các bên đã họp nhiều cuộc và Vietnam Airlines đưa ra 4 phương án thực hiện chuyến bay đặc biệt này. Việc xây dựng nhiều phương án do sân bay Bata của nước bạn gần nơi ở của lao động Việt Nam, thuận tiện cho người lao động di chuyển, nhưng khó khăn về tiếp nhiên liệu và điều kiện kỹ thuật.
Trong khi đó, sân bay tại Thủ đô Malabo của nước bạn đảm bảo các điều kiện về nhiên liệu và kỹ thuật lại xa nơi lao động Việt Nam đang lưu trú. Các phương án đưa ra trước đó đều có điểm đi và về sân bay Nội Bài, nhưng tới nay các bên liên quan đã cơ bản thống nhất sẽ đổi sân bay hạ cánh về Vân Đồn. Như vậy, với thông tin chuyến bay được thực hiện đi ngày 28 và về ngày 29/7, phương án 1 dự kiến sẽ được chọn, chỉ thay đổi điểm hạ cánh khi về Việt Nam.
Cụ thể, với phương án 1, Vietnam Airline sử dụng 1 máy bay thân rộng (A350, với sức chứa 305 chỗ) bay thẳng theo hành trình Hà Nội - Bata - Hà Nội. Tuy nhiên, sân bay Bata thông báo gặp khó khăn về nguồn cung nhiên liệu bay và sân bay cần bố trí thêm 1 xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 8, đủ điều kiện khai thác với máy bay A350.
Phương án 2 cũng sử dụng máy bay A350 để bay thẳng từ Hà Nội, nhưng sẽ qua sân bay Bata đón người lao động, sau đó tới sân bay Malabo tiếp nhiên liệu để bay thẳng về Hà Nội. Với phương án này, sân bay Bata cũng phải bổ sung xe cứu hỏa và xin cấp phép bay nội địa nước bạn.
Phương án 3 cũng sử dụng máy bay A350 để bay thẳng tới sân bay Malabo sau đó bay về, nhưng người lao động phải di chuyển tới Thủ đô nước bạn.
Phương án cuối là sử dụng 2 máy bay A321, trong đó 1 máy bay chở lao động dương tính với COVID-19 (khoảng 120 người), 1 máy bay chở lao động sức khỏe bình thường (khoảng 100 người). Hành trình từ Hà Nội - Dubai (UAE) - Bata (Guinea Xích đạo) - Jeddah (Ả Rập Xê-út) - Ahmedabad (Ấn Độ) - Hà Nội. Phương án này thuận lợi cho công tác phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trên máy bay. Tuy nhiên, khi sử dụng 2 máy bay có thể sẽ gặp khó khăn trong xin cấp phép bay tại các nước với chuyến bay chở người nhiễm bệnh. Cùng với đó, thời gian bay kéo dài, qua nhiều điểm cất/hạ cánh; điều kiện nghỉ ngơi của phi hành đoàn không đảm bảo…
Với việc chỉ sử dụng 1 máy bay thân rộng đón cả lao động chưa nhiễm COVID-19 và người đã nhiễm, các phương án phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trên tàu bay đã được tính tới. Theo đó, có thể máy bay sẽ được chia ra các khoang riêng biệt, toàn bộ hành khách, phi hành đoàn, bác sĩ đi cùng đều phải mang đồ bảo hộ y tế. Cùng với đó, chuyến bay sẽ chuẩn bị sẵn một số trang thiết bị y tế dự phòng. Vietnam Airlines đang lên phương án về nhân sự thực hiện chuyến bay.
Ðồng loạt triển khai nhiều hướng
Để thực hiện chuyến bay đặc biệt trên, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước hỗ trợ, đề nghị chính quyền sở tại cấp phép bay. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cần phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tập hợp hành khách lên máy bay vào thời gian và địa điểm thống nhất, trao đổi với gia đình người lao động.
Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì hướng dẫn điều kiện sức khỏe với người lao động tham gia chuyến bay; xây dựng kịch bản, yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch trên máy bay và xử lý các tình huống phát sinh về y tế trên chuyến bay; cử bác sĩ, nhân viên y tế đi theo chuyến bay; cung cấp trang thiết bị y tế cho phi hành đoàn và hành khách; bố trí bệnh viện tiếp nhận lao động khi về nước.
Được biết, trong số 219 lao động Việt Nam đang làm việc tại Guinea Xích đạo, có hơn 100 người được xác nhận đã nhiễm COVID-19. Đây là những lao động đi làm việc theo diện di chuyển theo hợp đồng các nhà thầu Việt Nam sang thi công xây dựng nhà máy thủy điện cho Tổng thầu của Anh. Việc thực hiện chuyến bay đón toàn bộ người lao động trên về nước được xem là chưa từng có và phức tạp, khi khu vực này chưa có đường bay thẳng với Việt Nam, nhiều lao động đã nhiễm bệnh…
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong vào tối 22/7, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết: Theo thông báo của Cục lãnh sự, chuyến bay từ Guinea Xích Đạo có thể về Nội Bài, Hà Nội. Lịch bay cụ thể vẫn chưa biết. Nếu về sân bay Vân Đồn mọi công tác chuẩn bị luôn sẵn sàng, đảm bảo an toàn tuyệt đối như hàng chục chuyến bay đón lao động Việt từ vùng dịch trở về thời gian qua.
Nới hạn chế nhập cảnh với công dân nước ngoài
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID - 19. Theo đó, các đơn vị của Bộ GTVT được yêu cầu tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kịp thời việc: Cho phép nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao, học sinh và sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam được nhập cảnh Việt Nam; Cho phép người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) của các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, chuyên gia được phép nhập cảnh vào Việt Nam…