Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025 (Chương trình).
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài với Việt Nam. Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực cụ thể, gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...
Chương trình đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về Chương trình.
Bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân.
Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa.
Phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng.
Quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.
Huy động nguồn lực và quản lý thực hiện Chương trình.
|
Nhà tiền đường đền Nưa (Thanh Hóa) đã được "bê tông hóa".
|
Cụ thể, nhằm bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị văn hóa của dân tộc, sẽ triển khai các chương trình, nhiệm vụ bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo cho khoảng 2 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO ghi danh; khoảng 15 di tích quốc gia đặc biệt có giá trị đang xuống cấp nghiêm trọng. Hỗ trợ chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết khoảng 150 di tích cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới đẩy mạnh công tác sưu tầm tài liệu cổ, quý hiếm có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; nâng cấp, cải tạo một số bảo tàng công lập cấp quốc gia. Nghiên cứu, thành lập các bảo tàng chuyên ngành cấp quốc gia về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật nhiếp ảnh; trung tâm quốc gia về bảo quản hiện vật.
Ngoài ra, sẽ nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển các ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo, nghiên cứu khai thác những giá trị về nghệ thuật truyền thống trong các kho dữ liệu đang có, hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.
>>> Mời quý độc giả xem video: TS Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ về việc hỗ trợ, giúp các sinh viên người Dao:
(Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện)