Thời gian gần đây, người dân xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An bức xúc trước việc chùa Linh Sâm đang được cấp tốc xây dựng dù chưa có quy hoạch chi tiết, chưa được cấp phép và xâm lấn vào khu vực bảo vệ Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia đền Hữu.
Công trình chùa Linh Sâm được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận tại công văn số 5198 ngày 26/7/2019 do Phó Chủ tịch Lê Hồng Vinh ký.
Dự kiến chùa Linh Sâm sẽ được xây dựng trên ngọn đồi có diện tích hơn 1ha với kinh phí khoảng 34 tỷ đồng. Kinh phí theo lời Bí thư Đảng ủy xã Thanh Yên Lê Hồng Long trao đổi với báo chí cho biết, nguồn vốn xây dựng chùa là nguồn xã hội hóa, nhà tài trợ được cho là Tập đoàn Vingroup.
|
Công trình chùa Linh Sâm xây trái phép, xâm lấn đất đền Hữu. Ảnh: Người đưa tin. |
Tuy nhiên thực tế, tháng 8/2019, chùa Linh Sâm được khởi công xây dựng ngay bên trái đền Hữu. Chỉ trong một thời gian ngắn, khu đất bên cạnh đền Hữu đã mọc lên 6 tòa nhà và cổng Tam quan với kiến trúc khá đồ sộ, cơ bản hoàn thành phần thô. Trong khi đó chùa Linh Sâm chưa đầy đủ thủ tục theo quy định và chưa có giấy phép xây dựng.
Liên quan công trình trái phép trên, UBND xã Thanh Yên đã đình chỉ thi công công trình chùa Linh Sâm. Dư luận đặt câu hỏi, để công trình Chùa Linh Sâm xẻ đất đền Hữu trái phép ở Nghệ An, ai chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc xây dựng chùa Linh Sâm chưa hoàn thiện về hồ sơ, thủ tục và chưa có giấy phép xây dựng là trái quy định của pháp luật xây dựng.
Luật sư Hoàng Tùng dẫn điều 89 Luật xây dựng năm 2014 quy định: “Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này” và cho biết, việc xây dựng chủa Linh Sâm không thuộc trường hợp miễn giấy phép xây dựng.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, theo Nghị định 59/2015/NĐ, công trình xây dựng cho mục đích tôn giáo phải lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng. Do đó, chủ đầu tư hoặc người đại diện quản lý việc xây dựng công trình chùa Linh Sâm phải có trách nhiệm lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng, xin giấy phép xây dựng.
“Việc thiếu các giấy tờ lài liệu nêu trên mà trực tiếp tiến hành thi công sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng (điểm c khoản 5 Điều 15 nghị định 139/2017)”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Luật sư Tùng cho rằng, việc xây dựng chùa Linh Sâm lấn vào khu di tích lịch sử - kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia Đền Hữu cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Xây dựng công trình lấn chiếm khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 50.000.000 đến 60.000.000 đồng ( điểm c khoản 5 điều 15 nghị định 139).
Đồng thời, Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, kèm theo việc xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, sẽ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa. |
Luật sư Tùng cho biết, hiện nay việc xây dựng chùa Linh Sâm đã hoàn thành phần thô 6 ngôi nhà và cổng tam quan trên phần đất của khu vực bảo vệ của di tích Đền Hữu và đã diễn ra trong vòng khoảng 2 tháng.
“Việc xây dựng công khai như vậy nhưng cán bộ quản lý tại địa phương từ xã lên huyện không có động thái kịp thời ngăn chặn. Cần phải làm rõ và nếu có các hành vi như bao che hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý thuộc trách nhiệm của mình thì tùy vào từng hành vi cụ thể sẽ có các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Mời độc giả xem clip Chùa Linh Sâm xây trái phép, lấn di tích lịch sử quốc gia - Nguồn: Youtube/Ngọc Tú: