Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 và kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc dừng chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
Đề nghị chốt ngày dừng quy hoạch các dự án điện hạt nhân
Tại buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị để Chính phủ nghiên cứu gia hạn áp dụng biểu giá điện gió đến 31/3/2022, nhất là với các dự án đã hoàn thành nhưng chưa vận hành do tác động của dịch COVID-19.
“Đây có thể xem là một trong những giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Đối với cơ chế giá điện mặt trời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án. Đây là vấn đề đang vướng nhưng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Dự án có quy hoạch nhưng không có cơ chế giá thì cũng không thể triển khai được. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung hoàn thiện sớm vấn đề này.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
|
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét cho phép Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với các dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA quan trọng, cấp bách.
Về đề xuất hỗ trợ 100% vốn đối ứng cho các dự án quan trọng sử dụng vốn nước ngoài, vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì Chính phủ và Thủ tướng chủ động xử lý, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Về đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân tại các vị trí trước đây quy hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện theo đúng kết luận của Ban Cán sự đảng Chính phủ. Trong đó, Bộ Công Thương cần sớm đề xuất với Chính phủ quyết định thời gian chấm dứt quy hoạch của các dự án nhà máy điện hạt nhân.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.
Giai đoạn 2019-2020, Ninh Thuận thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước; thu ngân sách đạt gần 4.000 tỷ đồng, về đích trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ chia sẻ với khó khăn của Ninh Thuận khi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2021, kinh tế Ninh Thuận tăng trưởng đều ở các lĩnh vực với GRDP tăng 9,45%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển tốt, tiếp tục là bệ đỡ của kinh tế địa phương.
Đáng chú ý, Ninh Thuận đang từng bước xây dựng, phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn, chiến lược vào nhiều dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa.
Dự án bị tạm dừng vì lý do kinh tế
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm 2 nhà máy 1 và 2 được dự tính xây dựng cho đến năm 2016 với tổng công suất trên 4.000 MW. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 sẽ được khởi công vào năm 2020.
Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2008. Trong đó, Nga đồng ý cho VN vay 10,5 tỷ USD, Nhật Bản cho vay nguồn vốn ODA làm điện hạt nhân. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì lý do kinh tế.
Trước đó, ngày 20/9/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị thay thế quy mô 4.600 MW điện hạt nhân Ninh Thuận trong Quy hoạch điện VII bằng điện khí LNG cập nhật trong Quy hoạch điện VIII.
Trong văn bản gửi đi, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận thay thế quy mô công suất 4.600MW điện hạt nhân Ninh Thuận được phê duyệt trong quy hoạch điện VII bằng điện khí LNG thực hiện tại Trung tâm điện lực LNG Cà Ná và cập nhật trong Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045, làm cơ sở để tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện các dự án điện khí LNG tại Trung tâm điện lực LNG Cà Ná trong thời gian tới.
UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá, việc phát triển điện khí LNG Cà Ná sẽ là động lực quan trọng và quyết định cho yêu cầu thay thế kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội của Ninh Thuận sau khi có chủ trương dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ đều đã có chủ trương phát triển nguồn điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để thực hiện chủ trương tại 2 nghị quyết này, cố gắng đưa vào quy hoạch sớm hơn.
Về đầu tư lưới điện, nếu chuẩn bị kịp, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ báo cáo Quốc hội để xem xét tại kỳ họp chuyên đề cuối năm nay. Dự án sửa đổi Luật Điện lực cũng đề cập vấn đề đầu tư hệ thống truyền tải điện để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng hạ tầng lưới điện.