Trên tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, trong 2 ngày 25-26/11 tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương để xem xét 5 vấn đề cấp bách, dự kiến được đưa ra thảo luận tại kỳ họp bất thường của Quốc hội.
|
Quốc hội chuẩn bị họp phiên bất thường. |
5 vấn đề đó là: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư công theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự); Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025; Dự án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
Mục đích của cuộc làm việc này nhằm định hướng việc nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các chính sách để tiếp tục hoàn thiện từng nội dung; đồng thời, xác định rõ quy trình, thủ tục trình, thẩm tra, xem xét trên cơ sở đó, nếu đủ điều kiện và bảo đảm chất lượng sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường (Dự kiến tổ chức cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022).
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là những nội dung có tính cấp bách, đột xuất, rất quan trọng cho quốc kế dân sinh, nhưng cũng là vấn đề khó, phức tạp, cần tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, xem xét thấu đáo, bảo đảm chất lượng nội dung 5 vấn đề; đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Quốc hội sẽ chỉ xem xét tối đa 5 vấn đề mà không nhất thiết phải làm cho đủ nếu các vấn đề này có chất lượng chuẩn bị không bảo đảm yêu cầu và không bổ sung thêm các nội dung khác.
Trên tinh thần đó, lãnh đạo Quốc hội nghe, cho ý kiến cụ thể từng vấn đề để xem xét về quy trình, thủ tục; xem xét tác động từng chính sách để chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện, nếu đủ điều kiện sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường.
Cách đây 2 ngày, tại phiên họp thứ 5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thời gian từ nay đến tháng 12/2021 không còn nhiều, các cơ quan của Quốc hội sẽ phải triển khai rất nhiều hoạt động quan trọng theo kế hoạch năm 2021. Trong khi đó, các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường đều là những vấn đề lớn, phức tạp, cần có thời gian để các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng; Chính phủ cũng cần có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn bản trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Theo quy định, sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất về nội dung chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội, cần phải báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về nội dung này.
Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, nếu tất cả các nội dung trên đã được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong tháng 12/2021 và đủ điều kiện trình Quốc hội thì đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2022.