Theo kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) đã hối lộ cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành 14,5 tỷ đồng; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái 14,5 tỷ đồng và Phan Huy Anh Vũ – cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai 14,8 tỷ đồng.
Nguồn tiền hối lộ từ đâu?
Theo kết luận điều tra, Công ty AIC là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Trung tâm xuất khẩu lao động Tralacen, thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Công ty có vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 5 tỷ đồng năm 2005, đến năm 2008, doanh nghiệp đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ y tế. Sau 9 lần thay đổi, AIC tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.
|
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn |
Để AIC được chỉ định tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tổng trị giá 665 tỷ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập mối quan hệ với lãnh đạo từ tỉnh ủy đến sở, ngành. Đồng thời, bà còn thành lập Ban Thư ký tài chính do Nguyễn Thị Thu Phương (đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) làm trưởng ban.
Theo chức năng, Ban Thư ký tài chính thực hiện việc thu chi đối ngoại theo chỉ đạo của Nhàn. Mọi hoạt động đều ghi chép sổ sách, cập nhật trên máy tính riêng của ban, nhưng không hạch toán kế toán Công ty AIC.
Kết luận nêu rõ, nguồn tiền Ban Thư ký tài chính có được là tiền từ các công ty hợp tác chuyển về do ký các hợp đồng mua bán hàng hóa với giá cao, sau đó rút tiền chuyển về nhập quỹ của Ban".
Từ năm 2011 đến năm 2020, nhóm nhân viên Công ty AIC gồm Đặng Minh Tâm, Trịnh Thị Vân Khánh, Phan Thị Hảo Thư, Trần Kiên và Lê Thị Ngọc Anh cùng một số người đã nhận tiền từ quỹ của Ban Thư ký tài chính để chuyển vào tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh, nhân viên Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ và Thương mại tổng hợp Nam Bộ (cũng là công ty do bà Nhàn thành lập, điều hành).
Sau đó, Nguyễn Thị Thu Phương chỉ đạo Phương Anh rút tiền mặt, giao cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các phó Tổng giám đốc AIC chi tiền theo “cơ chế”, “ngoại giao” mà bà Nhàn chủ trương để đưa hối lộ cho nhiều cá nhân là lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư ở thời điểm đó. Theo Bộ Công an, giai đoạn 2011-2020, tổng số tiền mà nhân viên của Ban Thư ký tài chính chuyển cho Phương Anh là 495,5 tỷ đồng.
Theo lời khai của Hoàng Thị Phương Anh, sau khi nhận được tiền chuyển khoản, cô đều trực tiếp rút và đưa cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn hoặc Phó tổng giám đốc Trần Mạnh Hà. Số tiền mỗi lần nhận và rút ra từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã thu thập toàn bộ sao kê tài khoản tại các ngân hàng, trích xuất dữ liệu còn lưu trong USB cá nhân của nhân viên Ban Thư ký tài chính thể hiện số tiền bà Nhàn đã hối lộ ba cựu quan chức Đồng Nai.
Điều tra AIC trúng thầu tại nhiều dự án có ngân sách trung ương
Theo kết luận điều tra, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiền thân là Bệnh viện Biên Hoà được thành lập từ năm 1902. Do xuống cấp nên năm 2006- 2007, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương và quyết định xây mới lại bệnh viện và giao Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư gần 890 tỷ đồng bằng nguồn vốn Ngân sách tỉnh Đồng Nai và vốn xã hội hoá. Dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên sau nhiều lần chậm tiến độ và điều chỉnh đã “đội vốn” lên hơn 2.000 tỷ đồng, bố trí vốn bằng nguồn Ngân sách địa phương. Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng vào giữa năm 2015.
Kết luận điều tra nêu, từ năm 2009, dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt đưa vào diện được phân bố, bố trí vốn từ nguồn Trái phiếu Chính phủ (TPCP). Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo “không bố trí nguồn vốn TPCP cho phần vốn do tăng điều chỉnh quy mô”.
Theo quy định về sử dụng nguồn vốn TPCP, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi đó, dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được hỗ trợ vốn TPCP 30% của tổng mức đầu tư dự án, là gần 890 tỷ đồng. Tương ứng mức bố trí tối đa cho dự án này là khoảng 266,8 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này đã được bố trí 336,315 tỷ đồng, cao hơn 69,477 tỷ đồng so với quy định.
Ngoài nguồn vốn bố trí này, trong giai đoạn 2014-2015, Bộ Tài chính đã tạm ứng 500 tỷ đồng vốn Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho Ngân sách tỉnh Đồng Nai để Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thanh toán cho các nhà thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Toàn bộ số vốn ứng trước vốn TPCP và vốn KBNN đã được tỉnh Đồng Nai hoàn trả theo quy định.
“Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai được Trung ương bố trí vốn TPCP và vốn KBNN với số tiền lớn, trong đó có việc bố trí nguồn vốn Ngân sách ngoài kế hoạch vượt mức quy định.
Tuy nhiên, do Công ty AIC trúng thầu nhiều Dự án có liên quan đến việc phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương. Do đó, để đảm bảo việc điều tra, kết luận tổng thể các Dự án có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tách phần điều tra xác minh liên quan đến phân bố, sử dụng, quyết toán nguồn vốn Ngân sách Trung trong để điều tra xác minh làm rõ và xử lý sau”, Kết luận điều tra Bộ Công an nêu rõ.
Đồng thời, C03 cũng kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương cho các địa phương tại các dự án, đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định. Bên cạnh đó, cần có các chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trái quy định của pháp luật.
“Quyền lực ngầm” của Nguyễn Thị Thanh Nhàn:
Lời khai của bị can Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đại diện chủ đầu tư dự án thể hiện. biết đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AIC là "người có mối quan hệ lớn, thường xuyên tiếp xúc với lãnh đạo các bộ, ngành", và AIC là " doanh nghiệp lớn, có mối quan hệ rộng, có công trong việc xin vốn cho dự án".
Tháng 6/2010, khi bệnh viện chuẩn bị bổ sung vốn đầu tư trang thiết bị y tế vào dự án, ông Thành đã điện thoại ông Vũ đến ăn trưa và đề nghị tạo điều kiện giúp AIC trúng thầu các gói thầu trang thiết bị y tế tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai do AIC là công ty lớn, có mối quan hệ rộng, có công trong việc xin vốn phần thiết bị y tế cho bệnh viện.
Ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khai đã ký các quyết định có lợi cho AIC không chỉ từ mối quan hệ của Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Bí thư tỉnh Đồng Nai khi đó là ông Trần Đình Thành mà còn mục đích để Nhàn hỗ trợ tỉnh Đồng Nai xin vốn từ Ngân sách Trung ương.
Ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khai, vào năm 2010, khi Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chuẩn bị thực hiện các thủ tục để bổ sung danh mục trang thiết bị y tế vào dự án, bà Bồ Ngọc Thu, cựu giám đốc Sở KH&ĐT báo cáo ông Thành về khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho phần thiết bị bổ sung. Ông Thành điện thoại bà Nhàn đề nghị hỗ trợ giúp Đồng Nai xin vốn trung ương và được bà Nhàn đồng ý.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt quả tang thiếu úy Công an nhận hối lộ của người ghi đề