Liên quan đến nghi án chủ thầu trả lương bằng ma tuý, sáng ngày 6/1, một chỉ huy Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội) đơn vị đã tạm giữ hình sự hai đối tượng có hành vi cung cấp và tổ chức sử dụng chất ma túy.
Hai đối tượng bị tạm giữ gồm Lê Văn Anh (30 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân) làm bảo vệ công trình và Đặng Quang Huy (27 tuổi, Thái Bình) là giám sát công trình trên. Bên cạnh đó, Công an quận Thanh Xuân cũng đang làm việc với chủ thầu xây dựng để làm rõ việc dùng ma túy để trả công cho công nhân.
Qua tài liệu xác định ban đầu Huy là người cung cấp ma túy còn Anh là người phát cho thợ đồng thời tổ chức sử dụng tại công trình xây dựng. Trong số 22 người bị đưa về trụ sở công an có 12 người nghiện ma túy được vận động đi cai nghiện, số còn lại cơ quan công an đang xem xét xử phạt hành chính.
Trước đó, đêm 3/1, Công an phường Hạ Đình phối hợp với Đội cảnh sát phòng chống tệ nạn ma tuý Công an quận Thanh Xuân bất ngờ ập vào khu vực lán trại của một công trình đang thi công, kín cổng, cao tường nằm trên địa bàn phường Hạ Đình, bắt quả tang hàng chục đối tượng đang tổ chức, sử dụng heroin.
|
Nhóm người bị công an mời lên làm việc liên quan vụ việc trên. |
Bước đầu, các đối tượng khai nhận là người dân tộc, về đây lao động cho chủ thầu xây dựng được hơn hai tháng. Thay vì được trả công bằng tiền, chủ thầu đưa ma tuý hàng ngày để cùng nhau sử dụng, thông qua một đối tượng làm bảo vệ tại công trình được xác định là Lê Văn Anh (SN 1990 ở Thanh Hoá). Điều đáng nói ở đây, khi vào công trường lao động, nhiều em nhỏ chưa đến 15 tuổi đã nghiện nặng.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc “trả lương bằng ma túy” không phải là hiếm nhưng trả lương thực sự trong một doanh nghiệp bằng ma túy như chủ thầu xây dựng “trả công” cho công nhân lao động bằng ma tuý mới đây ở Hà Nội là rất hi hữu.
Thực tế, không ít các đối tượng nghiện không có tiền mua ma túy, bị lệ thuộc vào ma túy khiến người khác sai khiến thực hiện các công việc, chủ yếu là những việc trái pháp luật theo yêu cầu của họ để họ cho ma túy sử dụng. Đó là những dạng thức của việc trả công bằng ma túy. Tuy nhiên đa số những hoạt động này không thành lập doanh nghiệp, không công khai, chỉ thực hiện ngầm trong giới nghiện với nhau và giữa người bán mà túy với người nghiện.
Do vậy, việc một chủ thầu xây dựng- vốn là người sử dụng lao động trong doanh nghiệp cung cấp ma túy cho người lao động của mình để trừ vào tiền lương là chuyện chưa từng xảy ra. Cơ quan sẽ làm rõ chức năng người đứng đầu của doanh nghiệp này để có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, hành vi mua ma túy rồi bán lại cho người khác sẽ bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn hành vi mua ma túy về để trả nợ tiền công, tiền của người lao động thì chưa đủ căn cứ để xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy nhưng có thể xử lý về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý nếu cơ quan chức năng thu được số ma túy chưa kịp sử dụng.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trường hợp phát hiện quả tang nhóm đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, hành vi này có thể xem xét xử lý về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo điều 255 Bộ luật hình sự 2015 đối với những người đã đứng ra tổ chức việc sử dụng ma túy này: cung cấp ma túy, cung cấp phương tiện sử dụng ma túy, tạo điều kiện về nơi sử dụng ma tuý...
Luật sư Cường dẫn điều 255, Bộ luật Hình sự 2015 về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo đó, người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi; Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với người đang cai nghiện; Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây bệnh nguy hiểm cho người khác; Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người; Gây tổn hại cho sức khoẻ cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây bệnh nguy hiểm cho 2 người trở lên; Đối với người dưới 13 tuổi.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: Gây tổn hại cho sức khoẻ của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Làm chết 2 người trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các hành vi sau đây: Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác)...
“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng đối tượng, làm rõ vai trò của từng đối tượng nếu thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh nào thì sẽ xử lý về tội danh đó theo quy định pháp luật trong các tội danh thuộc nhóm tội về ma túy”, Luật sư Cường cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trùm ma túy lớn nhất TPHCM bị bắt thế nào?: