|
Chi cục thuỷ lợi Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Phúc- Vietnamnet |
Thông tin trên báo chí cho biết: “Chi cục Thuỷ lợi Quảng Bình có 13 công chức nhưng có tới 12 người là lãnh đạo. Chi cục trưởng hiện là ông Nguyễn Ngọc Phụng, 2 phó chi cục trưởng là Trần Xuân Tiến và Nguyễn Thành Long.
Chi cục có 5 phòng, ban chuyên môn, gồm: Phòng Phòng chống thiên tai (1 trưởng phòng và 2 phó phòng); Phòng Quản lý công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn (có 1 trưởng phòng); Phòng Thanh tra - Pháp chế (1 trưởng, 1 phó phòng); Phòng Quản lý đê điều (1 trưởng phòng, 1 phó phòng) và Phòng Hành chính tổng hợp có 1 trưởng phòng.
Lý giải về việc đơn vị hiện có tổng 13 công chức mà có tới 12 người giữ chức lãnh đạo, ông Phụng (Chi cục trưởng) nói rằng việc này là do "lịch sử để lại". Đáng chú ý, có nhiều chức danh trưởng phòng tại đơn vị này được bổ nhiệm sai quy định.
Trao đổi trên VietNam Net, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi có thông tin phản ánh tại Chi cục Thủy lợi - thuộc Sở NN&PTNT xảy ra tình trạng bổ nhiệm chức danh trưởng phòng không đúng qui trình, ông đã chỉ đạo Giám đốc Sở thành lập đoàn kiểm tra.
“Sở NN&PTNT đã có kết luận và hủy bỏ kết quả bổ nhiệm chức danh trưởng Phòng Thủy lợi - Nước sạch vệ sinh nông thôn, Chi cục Thủy lợi đối với ông Mai Việt Hưng và yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc Chi cục”, ông Hoài nói”.
Thật đúng là chuyện thật như đùa, chuyện đùa lại là chuyện thật. Và nghe xong câu chuyện đùa này, người méo cả mặt là dân.
Một cơ quan có 13 người, mà đã kịp phong lãnh đạo cho 12 đồng chí, còn 1 người để lại sao mà lẻ loi, đáng ra phải nghĩ ra chức lãnh đạo nào đó mà phong nốt cho đồng chí ấy mới phải phép chứ nhỉ.
Hãy tưởng tượng cơ quan toàn lãnh đạo thế này, lấy ai ra mà làm? Toàn những người “vạch đường lối”, “vẽ chiến lược”, biết sai bảo, chỉ đạo ai? Cái bệnh hám danh, mê quyền lực hóa ra đã ăn sâu vào tâm trí người Việt tới mức khó mà gột rửa được.
Mà chắc không phải cái danh hão, nên người ta mới đam mê đến thế. Cơ quan gì mà chỉ toàn lãnh đạo thế này? Quảng Bình đã “phá kỷ lục” của nhiều địa phương khác với tỷ lệ 12/13. Chắc có lẽ phải tung hô “Quê ta vạn tuế”.
Buồn cười hơn nữa khi giải thích về tình trạng “quá tải lãnh đạo”, ông Chi cục trưởng lại nêu lý do: Lịch sử để lại. Vậy là xong rồi nhé, ông hoàn toàn không liên quan.
Có lý nào mà cái “lịch sử để lại” ấy nó lại khéo chiều lòng người đến thế, ai cũng được làm quan, thế là vui vẻ cả làng. Rồi lại có thêm cả những vị được bổ nhiệm không đúng quy trình nữa. Chắc cũng do lịch sử để lại mà ra.
Những con số lãnh đạo đông đúc thế này, nghe xong chỉ có người dân là muốn…xỉu. Bởi họ đang phải đóng thuế để trả lương cho một bộ máy công chức có nhiều chỗ còn quá cồng kềnh, “lạm phát lãnh đạo” như thế này.
Theo một tính toán của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Fulbright Việt Nam), chúng ta còn có một con số giật mình hơn, rằng bình quân cứ 9 người Việt Nam đang phải nuôi 1 cán bộ nhà nước.
Bởi vậy, chuyện một cơ quan có nhiều lãnh đạo như thế, cũng là thường.