Nêu ý kiến thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 tại hội trường Quốc hội ngày 30/10, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận định, cải cách bộ máy hành chính Nhà nước chưa đạt được mục tiêu, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Vẫn còn thái độ vô cảm của cán bộ Nhà nước trước tiếng kêu cứu của người dân.
“Chúng ta có thể thấy điều kiện tiến hành cải cách là không thiếu khi chủ trương có, quyết tâm chính trị có, nền tảng pháp lý cũng có nhưng bộ máy vẫn tiếp tục cồng kềnh, biên chế ngày càng phình to, ngân sách nuôi nó đã vượt ngưỡng giới hạn. Ba điều chúng ta có ví như là phần cứng thì cũng chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là tinh thần đổi mới cải cách và trách nhiệm trước nhân dân. Nếu ví đó như là phần mềm hay xen vào đạo đức công vụ thì chưa thấm được vào tư duy nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức đang tham gia trong nền hành chính công quyền hiện nay”, ĐBQH Phạm Trọng Nhân nêu ý kiến.
|
ĐBQH Phạm Trọng Nhân. Ảnh Quochoi.vn |
ĐBQH Phạm Trọng Nhân dẫn chứng: “Chúng ta thử nhìn tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước qua những hiện tượng nổi lên trong thời gian gần đây sẽ rõ.
Từ sau vụ việc quán cà phê Xin chào, tôi nghĩ đã khép lại tất cả những gì được coi là sự bất cập về tắc trách, quan liêu, trì trệ và vô cảm của các cơ quan quản lý nhà nước địa phương trước tính kiên cố của người dân khi để những vụ việc cỏn con nhưng đích thân người đứng đầu Chính phủ, người lẽ ra chỉ làm chính sách và quyết định những vấn đề trọng đại quốc gia nhưng phải ra tay chỉ đạo giải quyết.
Nay câu chuyện cái cống nước ở 146 Quán Thánh kéo được cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương vào cuộc lại như một gáo nước tạt thẳng vào những người có trách nhiệm đang cố gắng xây dựng một nền hành chính hiện đại vì dân phục vụ. Cống nước ở Quán Thánh dĩ nhiên là ô nhiễm nhưng không đáng sợ bằng sự ô nhiễm tư duy, nhận thức đã len lỏi trong một số cán bộ công chức hiện nay”.
“Chúng ta tán dương hay thương cảm khi hình ảnh một vị Phó Chủ tịch quận phải thân chinh khắp các nẻo đường chỉ để dọn dẹp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè. Hình ảnh cụ già gần 80 tuổi cùng các cháu giành giật chiếc xe bán cá viên chiên từ tay đoàn kiểm tra liên ngành mới thấy hết sự bất lực trong quản lý kỷ cương và vô trách nhiệm của chính quyền cơ sở.
Lòng lề đường vỉa hè là vô tri vô giác nhưng việc sử dụng trái phép triền miên như sự thách thức sự trì trệ của thể chế vốn được cho là đã đổi mới và hoàn thiện. Liệu đây có phải là nền hành chính mà chúng ta đang xây dựng và người dân đang mong mỏi từ các cơ quan nhà nước không? Câu trả lời chắc chắn là không.
Vấn đề đặt ra là vì sao những vụ việc đó lại diễn biến như vậy khi thể chế cụ thể là Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc phân cấp, phân quyền hay còn sự thật nào đằng sau tất cả những điều nêu trên”, ĐBQH Phạm Trọng Nhân nói.
Theo ĐBQH Phạm Trọng Nhân: “Mặc dù những người đang vận hành bộ máy hành chính theo cách thức không tử tế như trên đã và chắc chắn sẽ bị xử lý nhưng bài học để lại là rất lớn vì phần nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân và công cuộc cải cách. Chúng ta có thể thấy thành tựu kết quả cải cách có chuyển biến nhưng chậm, trong khi những vụ việc tiêu cực lại xảy ra quá nhanh ngày càng nhiều, mức độ nghiêm trọng, vô cảm ngày càng lớn vượt ngoài mọi sự tưởng tượng”.
Lấy ví dụ từ "điểm sáng" Quảng Ninh trong đổi mới cải cách bộ máy hành chính nhà nước, ĐBQH Phạm Trọng Nhân cho biết: “Nếu phải chọn một trong nhiều điểm sáng để nhấn mạnh toàn cảnh bức tranh thì tôi đề nghị lấy Quảng Ninh là một ví dụ điển hình nhất trong tất cả. Việc tinh gọn bộ máy, nhất thể hóa các cơ quan đảng và chính quyền tương đồng về chức năng, nhiệm vụ mà những năm qua tập thể đảng bộ chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đang ra sức xây dựng và bảo vệ đã đạt những thành quả bước đầu. Mô hình Quảng Ninh đang tiếp tục xây dựng đã đụng đến và xử lý được những vấn đề, những điều mà chúng ta cho là khó khăn, là nhạy cảm trong toàn bộ hệ thống chính trị tại địa phương bao gồm cả cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, đoàn thể và các tổ chức chính trị”.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ về tinh thần để có đủ dũng khí vượt qua "cống Quan Thánh" và phải có "bàn tay sắt" như Đảng đang làm trong công tác cán bộ, coi bộ máy, biên chế phình to là một loại tham nhũng để quyết tâm ngăn chặn, điều chỉnh.
“Việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước tưởng dễ, hóa ra lại quá khó, cái khó ở đây chủ yếu là lòng người. Nếu lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm vẫn còn quá lớn, lấn áp cả nhận thức và tư duy cũ kỹ lạc hậu thì cần thiết phải có một bàn tay sắt đủ cứng rắn như Đảng đã và đang làm trong phòng, chống tham nhũng hiện nay. Tôi cho rằng chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này”, ĐBQH Phạm Trọng Nhân cho biết.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân nêu ý kiến: “Trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước dù phải lấy đá ghè chân chính mình thì chúng ta cũng phải làm vì đã đến lúc người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính kồng kềnh nhưng kém hiệu quả”.