Xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng đã được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp một số tiền để xây dựng nhà cho người nghèo và gia đình chính sách tại địa phương.
Tổng số tiền xã nhận được đến nay là hơn 1 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Văn Thể - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (nay là Bộ trưởng Bộ GTVT) đóng góp 500 triệu đồng, Cty Xổ số kiến thiết Hậu Giang đóng góp 50 triệu đồng.
Sau khi xã đã xây 2 căn nhà cho người dân, số tiền còn lại là 1.024.272.000 đồng, lãnh đạo xã đã đem đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam và được chia làm 2 sổ tiết kiệm. Hiện lãi hai khoản gửi trên 21 triệu đồng.
Giải thích việc gửi ngân hàng số tiền lớn trên, ông Nguyễn Minh Cảnh -Chủ tịch UBND xã cho biết: "Với số tiền lớn trên để ở bên cạnh cũng không an toàn nên anh em trong Ban Thường Vụ xã đã tạm gửi vào ngân hàng để đảm bảo an toàn chứ chúng tôi không có mục đích riêng nào.
|
Đảng ủy xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh VTC) |
Tiền lãi ngân hàng chúng tôi lấy về dồn chung vào số tiền ban đầu chứ không sử dụng số tiền đó vào mục đích cá nhân. Chúng tôi từ sáng đến giờ đã có rất nhiều đơn vị hỏi về vấn đề này, thực chất chúng tôi làm vậy là mang tính tập thể, khách quan.
Nhiều người nghĩ chúng tôi làm vậy mang tính chất cá nhân nhưng chúng tôi đã báo rõ ràng khoản tiền đó, có kê khai đầy đủ rõ ràng cho tập thể anh em biết, không kê khai rõ ràng là không được.
Nói chung về mặt khách quan có nhiều người hiểu nhầm nên anh em trong Đảng ủy gặp một số bất lợi".
Được biết theo phản ánh, gia đình ông Nguyễn Hữu Nghĩa (ấp Phong Phú) là một trong những hộ nghèo đã được cán bộ xã làm thủ tục xin nguồn tài trợ xây dựng nhà tình thương, với số tiền 50 triệu đồng (do Cty Xổ số kiến thiết Hậu Giang tài trợ) nhưng đến nay vẫn chưa được xây nhà như đã hứa.
“Khi hay tin được cất nhà mới, gia đình tôi rất mừng. Thủ tục đã hoàn tất gần một năm nhưng tôi vẫn chưa nhận được tiền của đơn vị tài trợ” - ông Nghĩa cho hay.
Trước trường hợp này, ông Cảnh nói: "Quy trình xây nhà cho người nghèo phải trải qua nhiều bước. Chúng tôi phải xin ý kiến huyện ủy, xem xét rồi mới sử dụng nguồn vốn hỗ trợ.
Ví dụ khi nhà hảo tâm chuyển tiền, đơn vị mới họp dân, ban chấp hành xem xét và làm theo quy trình".
Theo ông Cảnh, khi số tiền đủ thì xã mới xem xét trang trải cho các hộ nghèo.
"Số tiền gửi ngân hàng thì vẫn ở đó, chúng tôi không dám sài số tiền đó. Tuy nhiên có một số đơn vị đã đồng ý chuyển vài trăm triệu cho xã để hỗ trợ nhưng họ vẫn chưa chuyển nên chúng tôi đợi cho đủ rồi tổng kết lại và sẽ xem xét làm theo quy trình.
Tuy nhiên nhà tài trợ họ không nói bao giờ chuyển và chúng tôi cũng không hỏi bởi có thể cơ quan họ gặp vấn đề gì đó nên chậm trễ, chính vì vậy phía xã cũng chậm trong thơi gian thực hiện chương trình này.
Chúng tôi đợi một thời gian để họ chuyển tiền cho suôn sẻ và tổng kết lại, sau khi đảm bảo tổng số tiền, Ban Thường Vụ họp và xét, sẽ thực hiện quy trình đóng góp cho người nghèo và người gặp hoàn cảnh khó khăn. Khoản tiền này chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định" -ông Cảnh trần tình.
Ông Cảnh nhận định, những người nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn họ cũng quan tâm vấn đề này nhưng phía xã phải đợi nhà hảo tâm chuyển tiền rồi mới thực hiện được.
Các nhà hảo tâm trước đó họ chuyển tiền về tài khoản của xã vào thời điểm cuối năm 2017 và đầu 2018, có trường hợp họ chưa chuyển mình cũng không thể gọi họ giục họ chuyển được.