Cử tri tỉnh An Giang phản ánh đến TAND tối cao về việc một số vụ án xét xử kéo dài, triệu tập nhiều lần trong điều tra, xét hỏi, xét xử không đúng tội danh, phải trả hồ sơ để điều tra, xác minh bổ sung..., gây mất thời gian và chưa nghiêm minh. Đồng thời kiến nghị tăng cường chất lượng công tác xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Trả lời vấn đề trên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay tình hình tội phạm diễn ra khó lường, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Số người phạm tội có trình độ cao ngày càng nhiều, tính chất phạm tội ngày càng phức tạp; tỷ lệ phạm tội liên quan đến công nghệ thông tin, lợi dụng chính sách, xuyên biên giới, có tổ chức... ngày càng gia tăng.
|
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình |
Do đó, quá trình giải quyết một số vụ án có tính chất phức tạp bị kéo dài. Một số vụ ở giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra, viện kiểm sát chưa thực hiện hoặc bảo đảm có đủ căn cứ để xác định bản chất khách quan của vụ án. Việc trả hồ sơ điều tra, xác minh bổ sung nhằm củng cố chứng cứ, tránh để oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, đối với một số vụ án xét xử không đúng tội danh, Chánh án TAND tối cao cho biết đã ban hành Chỉ thị số 01/2023 ngày 3/1/2023 về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác tòa án năm 2023.
Trong đó nêu rõ: “Công tác xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án dư luận xã hội quan tâm; nhất là chủ động, tích cực tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo”.
Cũng theo chỉ thị này, triển khai sâu rộng việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, hiệu quả; tăng cường tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm để giúp các thẩm phán tích lũy kinh nghiệm, nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa và coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của thẩm phán.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thời gian vừa qua, để nâng cao chất lượng xét xử, TAND tối cao thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn trực tuyến trong cả nước về công tác chuyên môn (điểm cầu kết nối từ các tòa án cấp huyện cho đến TAND tối cao), giải đáp những vướng mắc trong công tác xét xử; triển khai thành công phần mềm trợ lý ảo để giúp các thẩm phán có điều kiện nghiên cứu, so sánh, đối chiếu các vụ án đang thụ lý với các vụ án tương tự đã xét xử; tăng cường phát triển án lệ, giúp tạo nguồn nghiên cứu, áp dụng cho các thẩm phán.
>>> Mời độc giả xem thêm video TP. Hồ Chí Minh: Xét xử vụ án bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong