Chiều 13/9, trình bày báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND năm 2022, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã được kiềm chế.
Các tòa án đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, triển khai các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (Ảnh: Phạm Thắng).
Các tòa án đã nhận được tổng số 20.663 đơn thư các loại; qua phân loại, số đơn mới đủ điều kiện thụ lý có 5.244 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 3.911 đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; 235 đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Các đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu là trong lĩnh vực dân sự, thường là các vụ án tranh chấp về đất đai, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, yêu cầu khảo sát, định giá lại đất đang tranh chấp; yêu cầu trả lại đất do chính quyền quản lý qua các thời kỳ, thừa kế, tranh chấp về hợp đồng, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại...
Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thực hiện thủ tục tố tụng trong hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như: khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện; thu thập tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự; không đồng ý với kết luận của bản án, quyết định…
Về công tác giải quyết đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và đầu nhiệm kỳ khóa XIV có mức hình phạt tù từ 20 năm, chung thân, tử hình, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình thông tin hiện nay có một trường hợp của bị cáo Lê Văn Mạnh bị kết án tử hình về tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa.
Tử tù Lê Văn Mạnh.
"Đây là vụ án phức tạp về đánh giá chứng cứ, Lê Văn Mạnh có đơn kêu oan. Hiện nay, Tổ công tác liên ngành Tư pháp Trung ương đang tiếp tục xác minh để báo cáo lãnh đạo liên ngành theo quy định"- ông Bình thông tin.
10 tháng qua có 30 công chức tòa án bị xử lý
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, không để tồn đọng, kéo dài. Các tòa án đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng trong việc kiểm tra, xác minh các đơn thư khiếu nại, tố cáo và xử lý người vi phạm, nhất là đối với trường hợp là cán bộ lãnh đạo các tòa án địa phương.
Thông qua công tác giải quyết đơn thư, tòa án các cấp đã rút ra nhiều bài học, đặc biệt là trong công tác quản lý cán bộ, tăng cường kỷ luật công vụ và giáo dục, động viên cán bộ, công chức trong đơn vị thực hiện chức trách theo đúng các quy định và của TAND.
Trong 10 tháng qua, có 30 công chức tòa án bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó: 27 trường hợp bị xử lý kỷ luật về hành chính (khiển trách 21 trường hợp, cảnh cáo 2 trường hợp, buộc thôi việc 4 trường hợp); một trường hợp bị xử lý kỷ luật khiển trách về Đảng, chưa bị kỷ luật về hành chính; 2 trường hợp bị xử lý về hình sự.
Để siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ trong các TAND, Chánh án TAND Tối cao đã chỉ đạo các tòa án tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/2020 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong các TAND nhằm nâng cao chất lượng công tác, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là các chức danh tư pháp liêm chính, chuyên nghiệp; xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh.
Các tòa án cũng đã ban hành nhiều văn bản, quy định nhằm nâng cao chất lượng công tác, đề ra nhiều giải pháp chấn chỉnh những vi phạm, thiếu sót trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm Quyết định số 120/2017 của Chánh án TAND Tối cao về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND và "Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán".
"Kỳ án"
Theo cáo trạng số 81/KSND-P1 của VKSND tỉnh Thanh Hóa, vào khoảng 17 giờ ngày 21/3/2005, trong lúc đi tìm trâu ở bờ sông cầu Chày (thuộc thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định), Lê Văn Mạnh thấy cháu Hoàng Thị Loan (SN 1991), ngụ cùng thôn đang đi vệ sinh, nên đã nảy sinh ý định hiếp dâm.
Mạnh lén lút lại gần, bịt miệng, vật cháu Loan xuống đất thực hiện hành vi hiếp dâm. Do cháu Loan chống cự nên Mạnh đã túm tóc, đập đầu Loan nhiều lần xuống đất làm cháu bị ngất, nằm bất động.
Sau đó, Mạnh mang xác cháu Loan lội qua sông cầu Chày bỏ vào bụi cây rậm rạp ở bờ sông thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nhằm giấu xác. Tại đây, Mạnh xé quần áo của cháu Loan làm dây quấn thắt vào cổ nạn nhân nhằm tạo hiện trường giả một vụ tự sát. Mạnh còn dùng đất sét nhét vào âm hộ nạn nhân để che đậy hành vi hiếp dâm. Thực hiện xong hành vi phạm tội, Mạnh về nhà tắm rửa, thay quần áo.
Năm 2005, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Lê Văn Mạnh mức án tử hình đối với 3 tội danh "Giết người"; "Hiếp dâm trẻ em" và "Cướp tài sản".
Do Mạnh làm đơn kêu oan nên ngày 27/10/2005, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội hủy bỏ tội danh "Giết người" và "Hiếp dâm trẻ em", giao TAND tỉnh Thanh Hóa tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra.
Ngày 13/3/2006, TAND tỉnh Thanh Hóa mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử và tuyên án tử hình đối với Lê Văn Mạnh về 2 tội danh "Giết người" và "Cướp tài sản".
Ngày 26/7/2006, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử y án tử hình đối với Lê Văn Mạnh.
Lê Văn Mạnh tiếp tục kêu oan, nên ngày 23/4/2007, Viện trưởng VKSND Tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với 2 bản án cấp sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa và TAND Tối cao tại Hà Nội.
Viện KSND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy 2 bản án hình sự trên; giao hồ sơ về VKSND Tối cao để giải quyết vụ án lại từ giai đoạn điều tra.
Tuy nhiên, ngày 29/7/2008, Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Thanh Hóa vẫn kết án tử hình đối với Lê Văn Mạnh về tội "Giết người" và "Hiếp dâm trẻ em". Ngày 25/11/2008, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử y án tử hình.