Cần nghiên cứu sáp nhập các bộ?

Google News

“Việc nghiên cứu sắp xếp lại các bộ, ngành theo hướng khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ là rất cần thiết. Lúc đó sẽ phân định rõ bộ máy ở Trung ương tập trung vào hoạch định chính sách, kiểm tra, giám sát, còn cấp địa phương thì tổ chức thực hiện”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu quan điểm.

Từ quản lý sang quản trị

Theo ông, liệu đây có là thời điểm để tiến hành rà soát, sắp xếp lại các cơ quan Trung ương cho hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ?

Trước đây chúng ta có hẳn một đề án công phu về vấn đề này. Ban Tổ chức Trung ương đi khảo sát, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và đưa ra một đề án rất công phu, rồi đề xuất lên Trung ương. Nhưng lúc đó chưa quyết chuyện sắp xếp các bộ, ngành, mà chủ yếu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp. Chúng ta đã có tiền đề trong việc thực hiện sắp xếp bộ máy ở cấp cơ sở.

Can nghien cuu sap nhap cac bo?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Với yêu cầu của sự phát triển mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, đòi hỏi một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả hơn, theo hướng Nhà nước kiến tạo, phát triển thì rõ ràng cần thay đổi từ quản lý Nhà nước sang quản trị Nhà nước.

Để làm được điều này, cần có sự phân cấp nhiều hơn, bộ máy hành chính cũng phải tinh gọn, hiệu quả hơn. Việc nghiên cứu sắp xếp lại các bộ, ngành theo hướng khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ là rất cần thiết. Lúc đó sẽ phân định rõ bộ máy ở Trung ương tập trung vào hoạch định chính sách, kiểm tra, giám sát, còn cấp địa phương thì tổ chức thực hiện. Nhưng đi kèm với phân cấp trách nhiệm cũng phải trao quyền, tạo điều kiện nhiều hơn cho địa phương trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình.

Theo ông, những bộ, ngành nào có thể tiến hành sáp nhập cho tinh gọn, hiệu quả như mục tiêu đề ra?

Rõ ràng bộ máy cồng kềnh sẽ dẫn đến đội ngũ cán bộ rất lớn, chất lượng, hiệu quả hạn chế. Do vậy, tiếp tục thực hiện Đề án đã nghiên cứu là hết sức cần thiết và phù hợp. Trước đây, chúng ta mới chỉ đặt ra vấn đề sắp xếp giữa các Bộ KH&ĐT với Tài chính, Bộ GTVT với Xây dựng, bây giờ một số bộ, ngành khác cũng cần phải tính đến. Chẳng hạn như lĩnh vực giáo dục với khoa học và công nghệ, nông nghiệp - công thương…

Nhiều nước như Mỹ cũng chỉ có 15 bộ, có nước chỉ 8 bộ, tất nhiên số lượng các bộ còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể. Tuy nhiên với mục tiêu cải cách hành chính, tiếp tục tinh giản bộ máy nên vẫn cần phải thực hiện, bởi hiện nay bộ máy ở Trung ương còn cồng kềnh. Nhưng cần phải cân nhắc kỹ, sắp xếp làm sao cho phù hợp, nếu không lại nhập vào - tách ra, rất mệt.

Theo ông có thể rà soát, sáp nhập và giảm xuống còn bao nhiêu bộ?

Sáp nhập bao nhiêu bộ phải rà soát lại chức năng nhiệm vụ cụ thể của mỗi bộ, ngành. Cấp bộ phải tập trung vào hoạch định chính sách, kiểm tra, giám sát, còn lại phân cấp xuống địa phương như tôi vừa đề cập, như thế số lượng sẽ giảm đi.

Bộ máy Trung ương không nên làm nhiệm vụ quản lý, cung cấp dịch vụ công, hành chính công, hay các nhiệm vụ công ích. Ví dụ, Bộ GTVT với nhiều Ban Quản lý dự án, nay chuyển xuống cho địa phương, Bộ không trực tiếp quản lý dự án nữa. Hay trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vấn đề thi cử là việc của địa phương, các trường. Bộ GD&ĐT không lo việc đó nữa mà tập trung quản lý, đưa ra khung và tiêu chí chung, còn lại giao cho địa phương chịu trách nhiệm thực hiện, như vậy sẽ tốt hơn.

Ðừng nhiều cấp phó

Còn với số lượng cấp phó thì sao, thưa ông?

Cũng nên hạn chế thôi, đừng nhiều cấp phó quá. Vì thực ra cuối cùng người chịu trách nhiệm vẫn là cấp trưởng. Hiện nay, mỗi lĩnh vực trong bộ chúng ta lại có một cấp phó phụ trách, như vậy không phù hợp. Đối với các nền hành chính tiên tiến, họ cũng chỉ có một trưởng, một phó, mà cấp phó chỉ chủ yếu giúp điều hành nội bộ. Chúng ta, như cấp vụ lại qua cấp phó là thứ trưởng, rồi mới lên bộ trưởng, rất mất thời gian.

Bởi vậy, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan tham mưu, chẳng hạn ở các bộ là các vụ. Cần thiết đưa lên cấp trưởng quyết luôn, không cần thông qua cấp phó, như vậy sẽ đề cao trách nhiệm cấp vụ. Các nước tiên tiến, bộ chỉ có một thứ trưởng nhưng vẫn hiệu quả, rõ trách nhiệm. Còn nếu thông qua cấp phó, tưởng là chặt chẽ vì được sàng lọc qua nhiều bước, nhưng như vậy dễ dẫn đến chuyện ỉ lại và cũng không nâng cao được trách nhiệm. Cấp phòng thì bảo có vụ lo, cấp vụ lại bảo có thứ trưởng rồi…

Một việc mà rất nhiều cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm, cuối cùng lại không ai chịu trách nhiệm cả. Vì thế phải sắp xếp lại cho hiệu quả, một việc một người làm và chịu trách nhiệm. Bớt cấp phó đi thì vai trò và trách nhiệm của cấp vụ là hết sức quan trọng đối với bộ trưởng.

Còn với số lượng phó thủ tướng thì sao, thưa ông?

Với cấp phó thủ tướng cũng vậy. Mặc dù đã từng bước giảm số lượng đi, nhưng chúng ta vẫn còn 5 phó thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực khác nhau. Xu hướng cũng cần giảm đi, đồng thời đề cao trách nhiệm của các bộ. Lúc đó các bộ là cơ quan tham mưu và phải chịu trách nhiệm trước thủ tướng. Nếu vấn đề gì sai cứ “gõ” các bộ. Nếu từ cấp bộ lên thẳng thủ tướng, các bộ sẽ phải đề cao chịu trách nhiệm, và có thể giảm độ trễ một cách tối đa.

Cảm ơn ông!
Theo Thành Nam/Tiền phong

>> xem thêm

Bình luận(0)