Ngày 28/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm các bị cáo có kháng cáo trong vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Vụ án được xác định gây ra thiệt hại hơn 1.600 tỷ đồng cho BIDV.
Hầu tòa gồm 3 bị cáo đã có đơn kháng cáo: Đinh Văn Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP chăn nuôi Bình Hà); Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng); Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Sau phần kiểm tra căn cước, tòa tiến hành xét hỏi các bị cáo. Trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam, vợ của bị cáo Đoàn Hồng Dũng) khai bị cáo không có chuyên môn về kinh doanh, không biết kinh doanh nên chỉ làm theo chỉ đạo của chồng là bị cáo Đoàn Hồng Dũng.
|
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn tại phiên tòa phúc thẩm. (Ảnh: Anh Dũng)
|
Bị cáo Sơn cho biết, trước đây không bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ phải ra hầu tòa. Về phần thiệt hại, số tiền 263 tỷ đồng mà Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm buộc bị cáo Sơn phải bồi thường, bị cáo cho biết sẽ cố gắng trả dần, vay mượn anh em bạn bè để khắc phục hậu quả.
"Hiện Công ty Hà Nam không còn hoạt động, mọi tài sản của công ty đã thế chấp hết. Về khắc phục hậu quả, bị cáo sẽ trả dần. Bị cáo sẽ nhờ anh em, gia đình giúp đỡ" - Nguyễn Thị Thanh Sơn khai và bày tỏ mong muốn tòa phúc thẩm cho hưởng án treo để được ra ngoài nuôi con, kiếm tiền khắc phục hậu quả.
Chồng bị cáo Sơn là Đoàn Hồng Dũng cũng đề đạt ý kiến trước tòa sẽ cầm cố tài sản, vay mượn người thân để khắc phục hậu quả. Mong muốn HĐXX xem xét giảm án cho bị cáo để sớm trở về với xã hội.
Trước đó vào tháng 11/2020, TAND Thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đoàn Hồng Dũng 18 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Sơn 3 năm tù. Theo bản án sơ thẩm, cặp vợ chồng này quản lý công ty Trung Dũng và công ty Hà Nam, đã tự ý bán tài sản đảm bảo của BIDV, chiếm đoạt hơn 263 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm xác định, các bị cáo Đinh Văn Dũng, Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn là những người đứng đầu các tổ chức kinh tế có quan hệ vay vốn tại BIDV, có hiểu biết pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh.
Tuy nhiên, các bị cáo đã cố ý lợi dụng sơ hở của các nhân viên của BIDV trong việc quản lý tài sản thế chấp, quản lý dòng tiền sau cho vay để chiếm đoạt các khoản tiền và hàng hóa là tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp cho các khoản vay tại BIDV, sử dụng số tiền đó vào mục đích cá nhân khi không được sự đồng ý của BIDV.