Chưa thể hiện được nguyên tắc có đất để “đảm bảo sinh kế”
Góp ý vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết, theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019, cả nước có 24.532 hộ DTTS thiếu đất ở, 210.400 hộ DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất.
|
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương nêu ý kiến về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Hội nghị "“Lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các tổ chức, đơn vị về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. |
Trong điều kiện của vùng đồng bào DTTS&MN, hầu hết các diện tích đất đã được giao đến các chủ sử dụng đất (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân), nhu cầu về đất của đồng bào ngày càng tăng, trong khi quỹ đất của các địa phương để giải quyết không nhiều và có xu hướng bị thu hẹp (do thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư; bị thiên tai, bão lũ, hoang hóa…).
Do đó, việc thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào là nhiệm vụ cấp bách và cần được xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo, bảo đảm phù hợp thực tiễn, có tính khả thi.
Nghiên cứu Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cho thấy có 4 điều khoản quy định riêng cho dân tộc thiểu số (DTTS); 4 điều khoản quy định cho một số đối tượng ưu tiên, trong đó có DTTS. Trong đó: Các chính sách đã được quy định cụ thể là giao đất ở, giao đất sản xuất, được ưu tiên hơn so với đối tượng khác khi thực hiện giao đất, cho thuê đất, được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ khi được giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Nội dung quy định như trên cho thấy Dự thảo Luật đất đai chưa thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; các chính sách đối với DTTS trong các điều luật chưa thể hiện được nguyên tắc nêu tại tên Điều 17 là “… có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế”, do đó cần tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung.
Quy định rõ chính sách ưu tiên với đồng bào DTTS
Ông Quàng Văn Hương cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ các chính sách ưu tiên áp dụng đối với đồng bào DTTS; đồng thời thể hiện rõ các chính sách này ở các điều khoản khác trong dự thảo Luật, nêu rõ đối tượng DTTS, không để chung với nhóm đối tượng khác.
Cụ thể, tại Điều 17, về nguyên tắc: Chính sách “tạo điều kiện” như dự thảo Luật, cần sửa thành “ưu tiên” theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thiết kế lại Điều 17 gồm 04 khoản: Khoản 1: Quy định nguyên tắc chung việc bảo đảm chính sách đất đai cho đồng bào DTTS trong Khoản 2: Quy định các mục chính sách cụ thể, ưu tiên cho đồng bào DTTS; Khoản 3: Quy định trách nhiệm của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương về việc ban hành chính sách đất đai cho đồng bào DTTS; Khoản 4: Quy định về trách nhiệm của Nhà nước bố trí nguồn lực thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào DTTS.
Để thuận lợi cho việc thi hành Luật, có thể nghiên cứu phương án giao Chính phủ có nghị định riêng cho DTTS.
Về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, Dự thảo Luật quy định bỏ “hộ gia đình” là chủ sử dụng trong nhiều điều khoản (tại các Điều: 40, 52, 137, 170....), tuy nhiên, chưa có đánh giá tác động đối với các hộ gia đình DTTS, với nhiều tập quán khác nhau, nhất là DTTS rất ít người, DTTS có nhiều khó khăn.
Ông Hương đề nghị, cần làm rõ các tác động (tích cực, tiêu cực) khi bỏ “hộ gia đình” DTTS trong một số điều luật, nhất là các đối tượng chính sách trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất...
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW “…giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;…”, cần xem xét, quy định bổ sung nhiệm vụ này vào nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ cấp tỉnh đến cấp huyện (có thể đưa vào nghị định của Chính phủ). Theo đó, xác định rõ: đối tượng, địa bàn, kế hoạch thực hiện 5 năm và hằng năm theo phạm vi, thẩm quyền của cấp tỉnh/huyện.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định rõ đối với từng xã về số hộ, diện tích, loại đất, vị trí (lô, thửa); hiện trạng hạ tầng về giao thông, điện, nước…(nếu bố trí đất ở); đất rõ nguồn gốc, không có tranh chấp; phương án giao đất phải cụ thể, được sự thống nhất của cộng đồng dân cư và người dân được giao đất theo chính sách; đồng thời, chính quyền địa phương phải bố trí kinh phí và các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện.
Hội nghị “Lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và các tổ chức, đơn vị về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) phối hợp tổ chức.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Mời quý độc giả xem video: "Hàng loạt cán bộ bị khởi tố vì sai phạm đất đai". Nguồn: ANTV.