21h ngày 19/3, 4 tổ Cảnh sát 141 bắt đầu triển khai nhiệm vụ tại đường Võ Chí Công. Thay vì lập chốt tại một điểm, các tổ công tác liên ngành gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự và Cảnh sát cơ động hóa trang, sử dụng xe máy để tuần tra trên đường.
|
Chiếc xe không có biển số, nhiều chi tiết được chế độ do một nữ tài xế điều khiển bị dừng kiểm tra. |
|
Chiếc pô chế phát ra tiếng nổ đinh tai nhức óc. |
Đến 21h30, một xe máy không biển kiểm soát, có tiếng pô nổ rất to do nữ tài xế điều khiển lọt vào “tầm ngắm” của tổ công tác.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành Y12/141, yêu cầu lực lượng hóa trang bí mật ghi hình hành vi vi phạm của nữ tài xế.
Chị T.T.H.T. (21 tuổi, trú tại Phú Thọ) cho biết, xe máy không biển kiểm soát, được chế độ nhiều chi tiết và có tiếng pô rất lớn không phải của mình.
“Xe do tôi đi mượn của người bạn ở Hòa Bình, khi đi xe tôi thấy tiếng pô nổ hơi to. Tôi cũng nhận thức được việc điều khiển xe mà tháo hết yếm, chế độ nhiều chi tiết rất nguy hiểm”, chị T.T.H.T. nói.
Tổ công tác liên ngành Y12/141 đã bàn giao người và phương tiện cho Công an phường Xuân La (Tây Hồ) tiếp tục điều tra, làm rõ.
|
Anh P.T.C. điều khiển xe máy che kiểm soát và pô nổ to. |
Trong quá trình tuần tra, tổ công tác tiếp tục phát hiện anh P.T.C. (19 tuổi, trú tại Phú Thọ) điều khiển xe máy nhãn hiệu Honda Wave đã bị che biển kiểm soát, tiếng pô nổ to nên đã dừng xe kiểm tra.
Kiểm tra nhanh, tổ công tác phát hiện xe của C. đã chế độ pô. Chỉ cần kéo ga, tiếng pô phát ra khiến người xung quanh đinh tai nhức óc, thậm chí pô còn tóe lửa.
“Tôi chỉ mới thay chiếc pô vào xe, tiếng nổ của nó rất to nhưng tôi nghe thấy hay”, P.T.C. cho biết.
Chỉ trong khoảng 1 giờ, 4 tổ Cảnh sát 141 hóa trang đã bàn giao cho phường Xuân La xử lý hơn 20 trường hợp "quái xế" chế độ pô, điều khiển xe máy lạng lách đánh võng.
Ông Nguyễn Thành Luân (người dân sinh sống dọc bên đường Võ Chí Công) bày tỏ sự ủng hộ với lực lượng chức năng khi mạnh tay xử lý "quái xế" nẹt pô. Theo ông Luân, hằng ngày cứ 21h đêm, có nhiều người điều khiển xe máy nẹt pô gây xáo trộn sinh hoạt của người dân.
“Nhiều khi tiếng pô nổ to quá khiến người đi đường giật mình hoặc trẻ em, người già sống dọc hai bên đường thường xuyên bị mất ngủ”, ông Luân cho biết.
Việc độ pô cho xe máy đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi tự thay đổi kết cấu, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Với hành vi này, theo điểm c, khoản 5, điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP chủ xe sẽ bị phạt từ 800.000 đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Ngoài ra, hành vi điều khiển mô tô độ pô vào buổi tối và gây mất trật tự còn có thể bị xử lý theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, tại điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt từ 100-300 nghìn đồng khi cá nhân có hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.