Đó là Nguyễn Hồng Sơn (21 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM), chàng sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình II, một trong 48 tấm gương vừa được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM và Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tuyên dương gương “Người con hiếu thảo” cấp TP năm 2017.
|
Nguyễn Hồng Sơn, vừa được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM và Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tuyên dương gương “Người con hiếu thảo” cấp TP năm 2017. |
Bất hạnh khi mới chào đời
Chiều cuối tuần, trên các tuyến đường ở Sài Gòn giới trẻ tấp nập xuống phố với những cuộc vui bất tận. Thế nhưng, trong căn nhà “tình thương” nằm sâu trong con hẻm ở ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM, chàng sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình II Nguyễn Hồng Sơn đang hối hả thổi lửa, nấu buổi ăn chiều cho bà ngoại của mình.
|
Hàng chục năm qua, cậu thanh niên 21 tuổi là trụ cột gia đình chăm lo cho bà ngoại già yếu, trong khi mẹ thất lạc vì bệnh tâm thần. |
“Vừa đi làm thêm về em chạy vội ra chợ mua ít rau, thịt để nấu cơm chiều cho bà ngoại. Ngoại đã 86 tuổi, đủ thứ bệnh tật nên bỏ ngoại ở nhà một mình để đi học, đi làm em cũng lo lắm”, Sơn chia sẻ.
Sơn cho biết suốt 21 năm từ khi được sinh ra, Sơn chưa từng biết mặt cha, trong khi mẹ thì bị bệnh tâm thần chưa từng một lần Sơn được mẹ gọi tiếng con trai nên bà ngoại Nguyễn Thị Trước (SN 1931) là người đã cưu mang, nuôi Sơn khôn lớn.
Năm Sơn đang học lớp 5, bà ngoại tuổi cao sức yếu không thể đi làm thuê mướn để nuôi cháu ngoại và đứa con gái bị tâm thần, suốt ngày la hét, đập phá… nên Sơn đã trở thành trụ cột của gia đình. Đứa bé 10 tuổi đã làm đủ thứ nghề từ phụ bán quán ăn, gặt lúa mướn… để kiếm tiền nuôi ngoại và mẹ. Thế nhưng bằng nghị lực phi thường cũng như sự quan tâm giúp đỡ của xóm làng, chính quyền địa phương, Sơn đã tốt nghiệp cấp 3, thi đỗ vào trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình II với ước mơ trở thành chuyên viên thiết kế đồ họa để ổn định cuộc sống, có cơ hội lo cho bà ngoại và mẹ.
Khâm phục tấm gương hiếu thảo
Trong căn nhà tình thương chật hẹp do chính quyền xã Tân Kiên xây tặng, Sơn và bà ngoại tháng ngày rau cháo nuôi nhau. Mọi việc trong nhà từ dọn dẹp đến tắm rửa, giặt giũ, cơm nước cho bà ngoại đều do Sơn gánh vác. Trường học cách nhà hơn 20 cây số nên buổi sáng Sơn dậy sớm đi chợ, chuẩn bị cơm nước cho bà rồi mới đến trường. Buổi chiều vào những ngày cuối tuần, Sơn tranh thủ đi phụ quán phở gần nhà để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
|
Sơn gánh vác, chăm lo cho bà ngoại gần 90 tuổi của mình. |
|
Cậu sinh viên nghèo hiếu thảo, siêng năng khiến nhiều người vô cùng xúc động và khâm phục. |
“Buổi chiều ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) năm 2014, ngay khi vừa nhận tin vui đậu vào trường Cao đẳng, em đã mua con vịt quay với vài ổ bánh mì định về nhà báo tin vui với 2 người phụ nữ mình yêu thương nhất trên đời là mẹ và bà ngoại. Thế nhưng khi về tới nhà thì mẹ đã đi biệt tích suốt từ đó đến nay”, Sơn nghẹn ngào kể lại.
Suốt hơn 1000 ngày ròng rã, Sơn hết lo việc mưu sinh, lo việc học, chăm sóc bà ngoại nhưng khi có thời gian là cậu sinh viên này đi khắp nơi để tìm mẹ. Trời không phụ lòng người con hiếu đạo khi tháng 10 vừa qua, mẹ Sơn đang được điều trị tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) dần hồi phục, nhớ lại địa chỉ nhà mình nên được cán bộ Trung tâm liên hệ với chính quyền xã Tân Kiên.
|
Sơn đang chuẩn bị bài vỡ để ngày mai đến lớp. |
“Ngay khi được tin, em đã chạy vội lên Bình Dương và mừng đến phát khóc khi gặp lại mẹ dù mẹ vẫn không biết em là ai. Điều buồn nhất và cũng là nỗi ao ước cháy bỏng nhất là một ngày nào đó mẹ sẽ nhận ra đứa con của mình”, Sơn kể lại trong nước mắt. Chàng sinh viên ước ao sớm ra trường, công việc ổn định để đón mẹ về nhà chăm sóc cùng với bà ngoại.
Chia sẻ với PV Kiến Thức, bà Nguyễn Thị Hương Thảo, Chủ tịch UBND xã Tân Kiên bày tỏ sự thán phục về tấm gương hiếu đạo, nghị lực vượt khó của Nguyễn Hồng Sơn.
“Nam sinh viên này đã rất xứng đáng được tuyên dương “Người con hiếu thảo” bởi nhiều năm nay Sơn đã chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện tắm giặt cho bà ngoại gần 90 tuổi”.
Nhiều người hàng xóm dành những lời trìu mến khi nói về Sơn: “Đó là một thanh niên hiền lành, chăn chỉ, lo lắng tất tần tật cho bà ngoại già yếu của mình mà chẳng nề hà điều gì. Khi còn nhỏ dại, Sơn đã tự đi làm bao nhiêu việc để mưu sinh. Khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ học, vậy mà còn được học bổng, giờ sắp ra trường. Cả ấp 2 này ai cũng cảm thương và lấy Sơn làm tấm gương để giáo dục con em mình”.