Bà Nguyễn Thị Thanh (54 tuổi, quê Bắc Ninh), làm giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh đã được 5 năm.
Bà có 3 người con hiện đã trưởng thành. Không muốn phụ thuộc kinh tế vào các con, bà nhờ người quen giới thiệu lên Hà Nội làm giúp việc gia đình.
“Làm nghề này, may mắn thì gặp được gia chủ tốt, không may gặp gia đình khó tính, mình không chịu được thì phải xin nghỉ”, bà Thanh cho biết:
|
Bà Nguyễn Thị Thanh hiện làm giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh tại Hà Nội. Ảnh: Minh Anh |
Ban đầu bà được giới thiệu đến trông con cho một gia đình ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Vợ chồng chủ nhà còn trẻ, con đầu lòng được hơn 1 tuổi, cháu bé chưa biết nói nhưng rất nghịch ngợm, hiếu động. Hai vợ chồng bận rộn công việc nên việc chăm con đều giao phó cho người giúp việc.
Công việc một ngày của bà Thanh là ngoài cho bé ăn uống, vệ sinh cá nhân bà còn phải làm thêm việc nhà như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa…
Một lần cậu bé nghịch ngợm chạy nhảy, bị ngã thâm tím mặt mày. Mẹ bé thấy vậy xót con, nghi ngờ người giúp việc mải xem tivi không trông con mình nên nặng lời với giúp việc.
“Họ cũng biết con mình hiếu động nhưng lúc tôi nói lý do cậu bé bị ngã, họ không tin, bảo tôi thiếu trách nhiệm”, bà Thanh nói.
Mấy hôm sau, cô vợ cho người đến lắp camera từ phòng ngủ đến phòng khách để giám sát con và người giúp việc khi không có mặt ở nhà.
Nhiều hôm bà đang nấu cơm, cậu bé chạy tứ tung, cứ 10 phút mẹ cậu bé xem camera lại gọi điện thoại nhắc nhở bà Thanh để ý con mình. Tình trạng diễn ra hơn 1 tháng, quá mệt mỏi bà Thanh đành xin nghỉ việc.
Người phụ nữ này còn chia sẻ: “Ngoài việc đó ra thì hai vợ chồng họ cũng tốt, lễ Tết đều có quà cáp, còn cho cả tiền tàu xe để tôi về quê”.
Thời gian làm việc ở đây, bà Thanh từng chứng kiến chuyện xô xát của người giúp việc gia đình bên cạnh.
Bà kể: “Hàng xóm chủ nhà tôi có hai con nhỏ nên họ thuê 3 người giúp việc. Hai người chăm sóc hai đứa trẻ, còn một người nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa”.
Một lần, cậu em tranh giành, lấy đồ chơi ném vào mặt cô chị khiến cô bé khóc toáng lên. Người chăm cô chị quay sang trách người chăm cậu em bất cẩn.
Lời qua tiếng lại, hai người này xông vào túm tóc, đánh nhau. Người giúp việc trông cô chị còn hung hăng xé áo người kia. Hai đứa bé thấy cảnh đánh nhau thì sợ hãi, khóc ầm ĩ. Khi bà Thanh chạy sang can ngăn, họ mới buông nhau ra.
"Cũng cảnh đi làm thuê với nhau lẽ ra họ nên thông cảm, cư xử đúng mực. Đằng này 2 người đó tị nạnh nhau suốt, thi nhau lấy lòng chủ nhà. Chủ nhà đi vắng là họ bắt đầu to tiếng cãi vã...", bà Thanh thở dài kể.
Chán cảnh đi giúp việc gia đình, bà Thanh đến bệnh viện nhận chăm sóc bệnh nhân thay người nhà. Bà trông cả ngày và đêm, đến khi bệnh nhân ra viện thì bà mới nghỉ.
Bà Thanh tâm sự: “Làm việc chăm sóc bệnh nhân lương cao hơn, ngày nào làm tôi được nhận lương luôn ngày đó. Mọi việc vệ sinh cá nhân, ăn uống, ngủ nghỉ của tôi đều diễn ra trong viện nên không mất tiền thuê nhà. Tuy vậy công việc này cũng nhiều rủi ro".
Bà từng chăm sóc các trường hợp bệnh nhân bị ung thư, bệnh truyền nhiễm và lão khoa. Công việc này cũng mang đến cho bà cũng nhiều buồn, vui. Lần đó, bà trông một cụ bà hơn 70 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, sức khỏe yếu. Gia đình cụ thuê bà Thanh trông suốt 1 tháng bởi con cháu cụ bận đi làm, đến tối mới vào thăm nom mẹ.
Cụ cứ mê man cả ngày nhưng mở mắt ra là lại ngóng con cháu vào thăm. Cụ hỏi bà Thanh liên tục xem bao giờ các con vào. Có hôm nhớ con quá, cụ nhất định không ăn uống gì nhưng thấy con đến cửa là mặt tươi tỉnh.
“Những người con cũng rất hiếu thảo. Trước đó, mẹ ốm mấy tháng trời, họ thay nhau nghỉ chăm sóc mẹ. Giờ mẹ vào viện, không xin nghỉ được, họ mới thuê tôi trông. Tội nghiệp, cả đời cha mẹ nuôi con đến khi già con cái cũng bận bịu, chẳng có thời gian chăm sóc”, bà Thanh nói.
Cụ bà nằm viện một tháng thì bệnh viện trả về vì sức khỏe suy kiệt. Người nhà nhờ bà Thanh về nhà chăm cụ. Cụ bà sống một mình một nhà. Bà Thanh về chăm được vài ngày thì cụ mất. Đám tang cụ xong, một tuần các con mới qua thắp hương cho mẹ 1 lần.
Thấy cụ mới mất, con cái bận việc nên bà Thanh ở lại thêm 2 tháng để lo chuyện hương khói, làm cơm cúng cho cụ đủ 50 ngày.
Lần khác, bà Thanh được thuê chăm sóc một nam bệnh nhân 55 tuổi, mắc bệnh nặng giai đoạn cuối, nằm trong khu vực cách ly của bệnh viện. Bà kể, da dẻ người bệnh lở loét, bốc mùi hôi. Con cháu không ai dám động vào.
"Ông ấy nằm một chỗ đau đớn, kêu gào. Khi nào bác sĩ tiêm giảm đau thì bệnh nhân mới ngủ được một chút", bà cho biết.
Những ngày cuối trước khi mất, người bệnh có vẻ tỉnh táo hơn ngày thường, đòi ăn cháo gà và uống nước cam. Được bà Thanh cho ăn uống xong, ông bỗng nhiên thở dài rồi nói: "Nếu được làm lại, tôi sẽ không chơi bời, làm khổ vợ con đâu...".
Sáng hôm sau, người này mất, bà lại là người chuyển ông xuống nhà xác, đợi gia đình đến làm lễ an táng. "Cái chết trong cô đơn của ông ấy khiến tôi ám ảnh một thời gian dài...", bà Thanh kể.
Nói xong, bà Thanh lắc đầu rồi tất tả chạy vào khu chăm sóc đặc biệt...