Chiều 19/12, tại Hà Nội, Sở Giao thông vận tải thành phố phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức họp báo về việc chính thức vận hành tuyến buýt nhanh BRT từ ngày 25/12.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bà Jung Eun Oh, Trưởng Ban giao thông - Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng như một số nước trên thế giới trước đây. Với số lượng phương tiện đang gia tăng và lưu thông hiện nay, việc giảm ùn tắc là rất khó khăn đối với Hà Nội.
|
Họp báo về việc chính thức vận hành tuyến buýt nhanh BRT. Nguồn ảnh: VOV. |
Sự hợp tác giữa Ngân hàng thế giới và thành phố Hà Nội, cung cấp một loại hình vận tải mới, văn minh, hiện đại, thân thiện với người sử dụng, đạt tiêu chuẩn Euro4 là xe buýt nhanh BRT. Loại hình xe buýt nhanh BRT hiện đang hoạt động rất hiệu quả ở một số nước trên thế giới như thành phố Kubota của Nhật; Jarkata của Indonexia, Seul của Hàn Quốc.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tổng mức đầu tư của dự án xe buýt nhanh BRT là 53,6 triệu USD, hiện dự án đã thực hiện 41,6 triệu USD cho các hạng mục gồm 2 trạm đầu cuối là Yên Nghĩa và Kim Mã, xây dựng mới 8 cầu vượt đi bộ, 21 trạm nhà chờ và 35 xe BRT.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, tuyến buýt nhanh BRT số 1 Yên Nghĩa - Kim Mã đã sẵn sàng để chạy thử từ ngày 25/12 và chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2017 tới đây, đồng thời miễn phí 1 tháng cho người dân làm quen.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, khi xe buýt nhanh BRT đi vào vận hành, thành phố sẽ cấm xe máy đi lên các cầu vượt trên phố Thái Hà và cầu vượt Lê Văn Lương để nhường đường ưu tiên cho buýt nhanh BRT vào các khung giờ 6-9 giờ sáng và từ 16 giờ đến 19h30’ chiều.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội lý giải, sở dĩ phải áp dụng biện pháp cấm một số phương tiện trong các giờ cao điểm là do nhiều phương tiện xe đang đi làn ngoài, đột ngột rẽ lên cầu đã tạo ra xung đột.