Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Thương mại điện tử: Không mở tung cho tất cả các loại thuốc
Về vấn đề thương mại điện tử, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, vấn đề kinh doanh thương mại điện tử đối với thời đại hiện nay là một điều vô cùng cần thiết, trong thực tiễn cũng còn khoảng trống pháp lý, đặc biệt là đối với mặt hàng đặc thù như thuốc. Chính vì vậy, trong dự thảo luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
|
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan. |
Ngoài ra, quy định thêm các quy định về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề bảo mật thông tin người mua, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử. Điều kiện này để đáp ứng về mặt cơ sở pháp lý trong một loại hình kinh doanh.
“Chúng tôi nói đây là loại hình kinh doanh, các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh thương mại điện tử vẫn là những doanh nghiệp đang thực tế hoạt động, có giấy phép đáp ứng đầy đủ các quy định về kinh doanh dược, không phải chúng ta mở tung cho tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc không đăng ký lưu hành, còn những chỗ nào sai quy định thì chúng ta có các cơ quan để xử lý. Điều kiện của chúng ta là chỉ quy định đối với những doanh nghiệp đã có giấy phép, loại hình kinh doanh thì có thể mở rộng thêm một loại hình nữa nhưng chúng ta phải quản lý được”, bà Lan nói.
Không quản lý giá thuốc thì như “thả gà ra đuổi”
Về giá thuốc, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý với giá thuốc cũng là một việc rất quan trọng. “Chúng ta cũng đã nghe có bài báo nói tại sao giá thuốc tăng vô tội vạ, chúng ta quản lý như vậy từ 2016 mà họ còn tăng, nếu không quản lý lúc đó "thả gà ra đuổi" cũng không thể nào quản lý được”, bà Lan nói.
Bà Đào Hồng Lan cho hay, năm 2016, Luật Dược đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý giá thuốc bán buôn và chúng ta thực hiện Luật Giá năm 2023 với rất nhiều quy định mới về quản lý giá. Vì vậy, với tính chất mặt hàng đặc biệt và quy định về quản lý giá bán buôn đã được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay rất hiệu quả, cộng với các quy định của Luật Giá cũng đã quy định việc thực hiện các biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến.
Nội dung này trong quá trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đổi thành biện pháp công bố giá bán buôn thuốc dự kiến tại dự thảo luật để các cơ quan quản lý, tránh chuyện khi đưa vào đi qua rất nhiều cầu nối mà giờ chưa có quy định, kể cả Luật Giá cũng không quy định một doanh nghiệp chỉ được đi qua 1 hay 2 đại lý.
Việc này đã được thực hiện từ năm 2016 đến nay, qua đó đã góp phần cho việc quản lý giá thuốc của Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định. Lấy số liệu năm 2022 giá thuốc tăng 0,4%, trong tổng số CPI là 3,15%. Năm 2023 là 1,45%, sau dịch COVID giá tất cả các loại thuốc nguyên vật liệu đều tăng thì chúng ta tăng 1,45%, trong tổng số CPI 2,96%.
“Nói chung, qua các biện pháp thực hiện này chúng ta sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến trên thị trường”, bà Lan nói.
Nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường
Phát biểu trước đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) đã bày tỏ quan ngại về những bất cập trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, đặc biệt là nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường.
Về vấn đề quản lý giá thuốc, tại Điều 2 dự thảo nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến, đây cũng là khái niệm để quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội, chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan. Dự thảo hiện nay quy định mức giá bán buôn tối đa lại do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc quy định.
“Quy định này có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường”, bà Hà nói và nêu ví dụ, trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ, sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ, đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao.
Dự thảo quy định tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Vậy, một câu hỏi đặt ra đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào? Bà Hà cho rằng, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc.
Một vấn đề nữa, Dự thảo luật quy định tại Điều 112 sửa đổi "UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc". Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách, các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau.
Hơn nữa, với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn, quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược. Trong khi đó, ngay từ năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông của các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 540 về chuẩn dữ liệu đầu ra, trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp dự báo thị trường theo quy định tại Luật Giá.
“Từ những phân tích nêu trên, tôi đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc, vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia”, bà Nhị Hà nêu ý kiến.