Sáng 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) đưa ra 4 góp ý đối với Luật Dược (sửa đổi).
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: QH. |
Thứ nhất là về thuốc bán online gây nguy hại cho sức khỏe hay những sản phẩm quảng cáo là thuốc mà không phải là thuốc đang là nỗi bức xúc của xã hội. Ông Hiếu hoàn toàn đồng ý cho phép việc bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo, vì hiện nay việc này đã và đang diễn ra. Ví dụ, chỉ cần gửi hình ảnh chụp đơn thuốc chuyên khoa qua Zalo đến cửa hàng, thuốc sẽ được ship đến trực tiếp người dân mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Chính vì vậy cần quy định chặt chẽ và cụ thể hơn.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, việc đầu tiên phải khẳng định, thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, các thuốc được bán qua thương mại điện tử bao gồm thuốc không cần kê đơn (OTC) và các thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử (sổ khám bệnh và bệnh án điện tử).
Nhà thuốc được bán online cũng cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y Tế ban hành và thẩm định, cấp phép. Nên bắt đầu thử nghiệm tại ngay các nhà thuốc của bệnh viện mà đã triển khai đầy đủ Bệnh án điện tử (EMR). Ngay sau khi Luật Dược sửa đổi thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay và theo chiều ngược lại không quản được thì cấm khiến rất nhiều người sẽ bị vi phạm pháp luật khi luật có hiệu lực.
Trong Luật nên có điều khoản, Bộ cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội; tiếp nhận thông tin kiểm tra tính chính xác hay giả mạo của thuốc quảng cáo. Ví dụ, những bác sĩ bị sử dụng hình ảnh quảng cáo thuốc không đúng chất lượng nhưng thực tế hiện nay cũng không biết báo cho ai và làm cách nào để chấm dứt tình trạng này. Những thuốc quảng cáo sai không đúng sự thực cần công khai cho người dân biết, tra cứu trên các trang web và app (ứng dụng) của chính đơn vị này của Bộ Y tế.
“Có như vậy chúng ta mới giảm dần tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội. Có cơ chế phối hợp giữa Bộ Y Tế, Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương và Bộ Công an để xử lý các vi phạm về quảng cáo thuốc”, ông Hiếu nói.
Một góp ý nữa, ông Hiếu nhất trí thúc đẩy phát triển ngành Dược nội địa nhưng "cần biết vị trí mình đang ở đâu". Nếu không, chúng ta sẽ làm nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho các thuốc của các hãng dược phẩm lớn vào Việt Nam, trong khi thuốc tương đương của chúng ta không thể so sánh nổi với thuốc tốt của nước ngoài.
Trong khi đó, người dân vẫn phải dùng thuốc nước ngoài thì giá thuốc sẽ bị đẩy lên, thậm chí một số công ty dược lớn không nhập về Việt Nam nữa. Ví dụ, một loạt kháng sinh loại tiêm truyền Augmentin, Fortum, Tienam, Cefobid, Sulperazone.... hiện nay đã biến mất khỏi thị trường Việt Nam với lý do không cạnh tranh được về giá khi chúng ta đưa các sản phẩm nội lên tương đương cùng nhóm để đấu thầu tập trung quốc gia.
Vấn đề thứ 3, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu góp ý liên quan đến thuốc hiếm mà chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Đây là thuốc đặc trị ví dụ như thuốc giải độc tố, các dị nguyên sử dụng để giải mẫn cảm... nhưng tỷ lệ dùng rất ít trong nước. Trong lúc chờ nhập, đăng ký lưu hành rất mất công nên phải nhờ người bên nước ngoài mua, xách tay mang về dùng cho người nhà của mình.
Cần có quy định về việc này, cần đưa vào dự thảo Luật định nghĩa về thuốc chuyên khoa đặc thù trong một số trường hợp xử lý cụ thể để các bệnh viện có thể mua trực tiếp từ hãng của nước ngoài hoặc Bộ Y tế có phương án mua tập trung cho cả nước khi các bệnh viện có nhu cầu thì nhập từ Bộ Y tế.
Cuối cùng, là việc “cấp visa” cho thuốc mới. Theo ông Hiếu, hiện nay người dân vẫn phải xếp hàng có khi hàng năm trời như vậy có thể bị thiệt, không được hưởng thành quả mới của khoa học. Nhiều nước khó hơn chúng ta rất nhiều như Nhật, Mỹ, châu Âu đã có những thuốc lưu hành 5 – 6 năm nhưng muốn nhập vào ta thì việc cấp visa vẫn còn chậm.
Chúng ta cần có quy trình rõ ràng trong việc nhập thuốc đã được các nước trên thế giới công nhận qua các nghiên cứu và ứng dụng đại trà. Ví dụ như nếu thuốc đã được FDA Mỹ, Nhật cấp giấy phép và được bảo hiểm y tế của những nước đó chi trả cho người dân sử dụng, chúng ta có thể tiến hành thủ tục rút gọn cho phép lưu hành tại Việt Nam.
“Lấy ví dụ cho các vị ĐBQH dễ hình dung, nếu trong hộ chiếu của chúng ta có Visa vào Mỹ, Châu Âu... thì Đài Loan có thể xin Visa online, một việc làm đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc rất nhiều mà vẫn bảo đảm tính an toàn và hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu ví dụ.
Bổ sung quy định cấm kinh doanh thuốc không đúng danh mục cho phép
Cho ý kiến vào khoản 3, Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 6 về hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào quy định cấm đối với hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng với danh mục được Bộ Y tế cho phép. Điều này nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc được chặt chẽ hơn. Bởi vì thuốc và nguyên liệu làm thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
|
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ). Ảnh: QH. |
Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử diện diễn ra phong phú, đa dạng và phức tạp. Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây hậu quả rất nặng nề và khó khắc phục.
Đối với Khoản 4, sửa đổi, bổ sung Điều 7 chính sách của Nhà nước về dược đề cập đến nhiều chính sách ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp dược nhưng các chính sách còn dàn trải, chưa có tính trọng tâm, trọng điểm. Nhà nước có rất nhiều loại dược liệu quý hiếm nhưng dự thảo Luật thì chưa có chính sách cụ thể để phát triển, nhân rộng vùng nguyên liệu và chúng ta đều biết rằng, chỉ khi nào mà đa dạng hóa và chủ động được nguồn nguyên liệu thì ngành công nghiệp dược mới phát triển mạnh, bền vững và có thể cạnh tranh để xuất khẩu ra bên ngoài.
Do đó, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm vấn đề trên để có quy định tạo sự đột phá trong phát triển ngành nguyên liệu dược, dược liệu nói riêng và ngành công nghiệp dược liệu nói chung.